Trang chủ Việt NamĐầu tư phát triển Năm 2025, Bến Tre đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tôm 1,2 tỷ USD

Năm 2025, Bến Tre đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tôm 1,2 tỷ USD

bởi Linh

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre vừa thông qua phương án phát triển ngành tôm tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào sáng nay 23/12.

 

Theo đó, Bến Tre sẽ khai thác tiềm năng, lợi thế để đưa ngành tôm trở thành ngành sản xuất hàng hóa, thương hiệu uy tín, có khả năng cạnh tranh cao trong hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển theo hướng hợp tác liên kết chuỗi giá trị sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, phương án phát triển ngành tôm tỉnh Bến Tre đã được UBND tỉnh Bến Tre phê duyệt và tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Qua đó, nhằm đẩy mạnh phát triển ngành tôm, khai thác tối đa tiềm năng diện tích để hình thành các vùng sản xuất tôm tập trung, nâng cao giá trị sản xuất và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo phương án phát triển, tỉnh Bến Tre tập trung phát triển nhanh, mạnh hình thức nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, nuôi an toàn sinh học, nuôi theo hướng sinh thái, hữu cơ với mô hình tổ chức sản xuất phù hợp, áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm.

Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 36.000 ha; trong đó, tôm công nghệ cao 4.000 ha, thâm canh/bán thâm canh 8.500 ha, quảng canh cải tiến chuyên tôm 15.826 ha, tôm rừng 2.644 ha, tôm lúa 5.030 ha, diện tích nuôi tôm càng xanh xen ghép 1.900 ha. Giai đoạn này, tổng sản lượng tôm của tỉnh đạt 190.280 tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt 1,2 tỷ USD.

Đến năm 2030, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ của tỉnh đạt 36.000 ha. Tổng sản lượng tôm đạt 251.980 tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 tỷ USD. Đặc biệt, tầm nhìn đến 2050, ngành tôm của tỉnh phát triển bền vững, năng suất, chất lượng cao, thương hiệu uy tín trên thị trường trong, ngoài nước…

Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh Bến Tre chú trọng tổ chức lại sản xuất, phát triển mạnh mẽ các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất dựa trên các hộ, cơ sở nuôi phân tán, nhỏ lẻ thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, gắn với doanh nghiệp cung cấp nguyên vật liệu đầu vào, bao tiêu sản phẩm đầu ra để xây dựng vùng nuôi tôm tập trung cung ứng nguyên liệu lớn cho chế biến.

Tỉnh khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư các vùng nuôi tôm công nghệ cao theo hình thức hợp tác công tư (PPP); xây dựng những vùng nuôi tôm công nghệ cao do doanh nghiệp đầu tư, có diện tích từ 200-1.000 ha với cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Đặc biệt, địa phương tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, từ khâu sản xuất con giống, nuôi thương phẩm đến thị trường tiêu thụ, trong đó doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ đóng vai trò hạt nhân liên kết và tổ chức chuỗi.

Cùng đó, Bến Tre theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư sớm đưa 2 nhà máy chế biến tôm tại Thạnh Phú đi vào hoạt động; khuyến khích doanh nghiệp vào đầu tư nhà máy chế biến tôm quy mô lớn tại khu công nghiệp Phú Thuận.

Tỉnh tăng cường xúc tiến, mời gọi đầu tư để đến năm 2025, các nhà máy chế biến tôm trên địa bàn tỉnh tiêu thụ được khoảng 50-60% sản lượng tôm nguyên liệu của tỉnh. Đến năm 2030, các nhà máy chế biến trên địa bàn tiêu thụ được khoảng 80% sản lương tôm nguyên liệu của tỉnh.

Tỉnh tranh thủ từ nguồn vốn trung hạn của của Trung ương giai đoạn 2021-2025, đầu tư hệ thống thủy lợi cho vùng nuôi tôm tập trung; ưu tiên thực hiện đối với hệ thống giao thông, kênh cấp, thoát đối với các vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, tập trung tại huyện Bình Đại, Thạnh Phú và Ba Tri.

Đồng thời, xã hội hóa, thu hút các thành phần kinh tế trong việc đầu tư các vùng nuôi tôm siêu thâm canh tập trung để nâng cao năng suất và sản lượng; xây dựng cơ chế, chính sách tích tụ ruộng đất…

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Nguyễn Văn Buội cho biết, Bến Tre là một trong những tỉnh có nghề nuôi tôm phát triển khá mạnh về diện tích và sản lượng, nhất là nuôi tôm thâm canh và án thâm canh. Giai đoạn 2016- 2021 mặc dù diện tích nuôi tôm của tỉnh khá ổn định, chỉ tăng 0,2 %/năm (từ 35.000 ha năm 2016 lên 35.300 ha năm 2021), nhưng sản lượng nuôi lại tăng bình quân tới 11,9%/năm (tăng từ 46.278 tấn lên 81.200 tấn).

Đạt được kết quả trên là do ngành tôm của tỉnh đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến sang nuôi tôm thâm canh, đặc biệt là nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao, với diện tích hiện có gần 2.600 ha.

 

Có thể bạn quan tâm