Trái với kỳ vọng về một thế giới phục hồi sau đại dịch, năm 2022 lại đánh dấu bằng một cuộc xung đột mới, lạm phát cao kỷ lục và các thảm họa liên quan đến khí hậu.
Năm 2022 được kỳ vọng chứng kiến nền kinh tế thế giới phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, năm 2022 lại đánh dấu bằng một cuộc xung đột mới, lạm phát cao kỷ lục và các thảm họa liên quan đến khí hậu.
Đó là một năm “đa khủng hoảng,” theo cách gọi của nhà sử học Adam Tooze.
Sau cuộc khủng hoảng kinh tế do COVID-19 gây ra vào năm 2020, giá tiêu dùng bắt đầu tăng vào năm 2021 khi các quốc gia dỡ bỏ phong tỏa và các biện pháp hạn chế khác.
Các ngân hàng trung ương dự đoán tình trạng lạm phát cao sẽ chỉ là tạm thời khi các nền kinh tế hoạt động bình thường trở lại.
Tuy nhiên, cuộc xung đột tại Ukraine xảy ra vào cuối tháng Hai đã khiến giá năng lượng và lương thực tăng vọt.
Công bố 10 sự kiện kinh tế thế giới nổi bật trong năm 2022
Nhiều quốc gia hiện đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt do tiền lương không theo kịp lạm phát, buộc các hộ gia đình phải siết chặt chi tiêu.
Để ứng phó với lạm phát, các ngân hàng trung ương bắt đầu tăng lãi suất, nguy cơ đẩy các quốc gia vào suy thoái nghiêm trọng vì lãi suất cao hơn đồng nghĩa hoạt động kinh tế chậm lại.
Với các động thái nâng lãi suất, lạm phát ở Mỹ và Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) bắt đầu tăng chậm lại.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), giá tiêu dùng tại Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) dự báo đạt 8% trong quý IV năm nay trước khi giảm xuống 5,5% vào năm tới.
OECD khuyến nghị các chính phủ cung cấp hỗ trợ tài chính để giúp các hộ gia đình vượt qua áp lực lạm phát.
Tổ chức tư vấn Bruegel cho biết, từ đầu năm đến nay, Liên minh châu Âu (EU) gồm 27 quốc gia đã chi tổng cộng 674 tỷ euro (704 tỷ USD) để hỗ trợ người tiêu dùng chi trả hóa đơn năng lượng tăng cao.
Đức – nền kinh tế lớn nhất châu Âu và phụ thuộc nhiều nhất vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga, chi tới 264 tỷ euro.
Kết quả một khảo sát của công ty tư vấn EY cho thấy cứ 2 người Đức thì có 1 người phải thắt chặt hầu bao và chỉ chi tiêu cho những mặt hàng thiết yếu.
Lãi suất tăng rõ ràng ảnh hưởng đến người tiêu dùng và doanh nghiệp. Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) bắt đầu giảm tốc độ tăng lãi suất vào tháng 12, nhưng để ngỏ khả năng phải tăng lãi suất cao hơn để kiểm soát lạm phát.
Các nhà kinh tế cho rằng Đức và Italy, hai nền kinh tế lớn trong Eurozone, sẽ rơi vào suy thoái.
Trong khi đó, nền kinh tế Anh đã bắt đầu suy giảm. Cơ quan xếp hạng tín nhiệm toàn cầu S&P Global dự đoán kinh tế Eurozone có thể tăng trưởng ì ạch trong năm 2023.
Tuy nhiên, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vẫn kỳ vọng kinh tế thế giới sẽ khởi sắc vào năm 2023, với mức tăng trưởng 2,7%, trong khi OECD dự báo mức tăng trưởng 2,2%.
Việc Trung Quốc nới lỏng các biện pháp hạn chế liên quan dịch COVID-19 đang làm dấy lên hy vọng về sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là động lực chính của tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, đối với Giáo sư Kinh tế vĩ mô tại Đại học Amsterdam (Hà Lan), ông Roel Beetsma, biến đổi khí hậu mới là cuộc khủng hoảng lớn nhất trong năm 2022.
Theo công ty tái bảo hiểm Swiss Re của Thụy Sĩ, từ đầu năm đến nay, các thảm họa tự nhiên và thảm họa do con người đã gây tổn thất kinh tế 268 tỷ USD.
Chỉ riêng cơn bão Ian đã gây thiệt hại ước tính 50-65 tỷ USD cho người được bảo hiểm, trong khi lũ lụt ở Pakistan gây thiệt hại 30 tỷ USD.
Tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) ở Ai Cập vào tháng 11 vừa qua, các chính phủ đã nhất trí thành lập một quỹ đặc biệt để bù đắp những tổn thất và thiệt hại mà các quốc gia dễ bị tổn thương phải gánh chịu do tác động của biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, hội nghị kết thúc mà không có các cam kết mới nhằm loại bỏ dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, bất chấp nhu cầu cắt giảm khí thải nhà kính và làm chậm quá trình nóng lên toàn cầu.
Giáo sư Beetsma cảnh báo biến đổi khí hậu là một cuộc khủng hoảng trong dài hạn.
Ông nhấn mạnh nếu không hành động đủ mạnh mẽ, thế giới sẽ đối mặt với những tác động lớn “chưa từng có.”
Chuyên gia này đánh giá các cuộc khủng hoảng đã gia tăng kể từ đầu thế kỷ 21, nhưng thế giới chưa bao giờ chứng kiến khủng hoảng phức tạp như vậy kể từ cuộc.
Chiến tranh Thế giới thứ hai. Về triển vọng kinh tế thế giới năm 2023, ông dự đoán kinh tế thế giới sẽ đối mặt nhiều khó khăn hơn so với năm 2022./.