Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất đã tác động đến nhiều ngân hàng trung ương châu Á, trừ Trung Quốc và Nhật Bản, khiến các ngân hàng của hai nước này không được hưởng lợi.
Các ngân hàng trên khắp châu Á đang thu lợi từ xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát trên toàn cầu.
Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất trong năm nay đã tác động đến nhiều ngân hàng trung ương châu Á, trừ Trung Quốc và Nhật Bản. Do đó, những ngân hàng tại hai nền kinh tế lớn nhất châu Á không được hưởng lợi từ mức lãi suất cao hơn như những nước khác.
Theo đánh giá thường niên về ngân hàng toàn cầu của tổ chức McKinsey được công bố trong tháng này, trên toàn thế giới, lợi nhuận của các ngân hàng trong năm nay đã đạt mức cao nhất trong 14 năm. Doanh thu đạt 6.500 tỷ USD khi lãi suất cao hơn thúc đẩy tỷ suất lợi nhuận ròng (NIM) tăng mạnh. NIM được sử dụng như một thước đo khả năng sinh lời của ngân hàng.
Theo McKinsey, trong ngắn hạn các ngân hàng trung ương vẫn sẽ giữ lãi suất ở mức cao để kiềm chế lạm phát. Đây là tin tốt cho những ngân hàng, khi lãi suất tăng sẽ nâng cao khả năng sinh lời trong các lĩnh vực như tài chính tiêu dùng.
Tại Singapore, ngân hàng DBS, đã báo cáo lợi nhuận ròng tăng 35% trong ba tháng tính đến tháng 9. KB Financial Group, tập đoàn tài chính hàng đầu của Hàn Quốc tính theo tài sản, cho biết lợi nhuận ròng đã tăng 19% so với cùng kỳ lên 8.300 tỷ won (6,4 tỷ USD) trong 9 tháng kể từ đầu năm đến nay.
Tại Ấn Độ, NIM của các ngân hàng thương mại đã tăng 22 điểm cơ bản lên 3,1% trong trong quý 3/2022, mức cao nhất trong một năm.
Trong khi hầu hết các ngân hàng trung ương châu Á nối gót Fed tăng lãi suất, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC tức ngân hàng trung ương) đã cắt giảm lãi suất cơ bản ba lần trong những tháng gần đây, do lo ngại về sự giảm tốc của nền kinh tế và những khó khăn của lĩnh vực bất động sản.
Ngành bất động sản tại nền kinh tế lớn nhất châu Á đã chịu ảnh hưởng do làn sóng vỡ nợ trái phiếu giữa các nhà phát triển ngập trong nợ nần, khiến nhiều dự án phát triển bất động sản chưa hoàn thành. Điều này đã gây ra sự bất bình của những người mua nhà khiến họ tạm dừng thanh toán và làm sụp đổ niềm tin vào lĩnh vực này, vốn đóng góp 25% GDP của Trung Quốc.
Chính sách cắt giảm lãi suất của PBoC nhằm giảm bớt gánh nặng nợ cho các nhà phát triển bất động sản và người mua nhà, giảm rủi ro do các khoản nợ xấu gây ra cho các ngân hàng. Song, điều này cũng làm giảm NIM của các ngân hàng Trung Quốc trong 9 tháng kể từ đầu năm đến nay xuống 1,94%, giảm 13 điểm cơ bản so với một năm trước.
Giống như PBoC, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) vẫn giữ lãi suất ở mức thấp để tránh làm chệch hướng quá trình phục hồi kinh tế của đất nước.