Trang chủ Tài chínhDịch vụ tài chính Ngân hàng lên kế hoạch kinh doanh thận trọng trong năm 2023

Ngân hàng lên kế hoạch kinh doanh thận trọng trong năm 2023

bởi Linh

Như thường lệ, vào quý II hàng năm, các công ty đại chúng sẽ lên kế hoạch tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên để hoạch định chiến lược sản xuất kinh doanh trong năm. Ở thời điểm này, một số ngân hàng thương mại cũng đã lên kế hoạch tổ chức đại hội; đồng thời hé lộ nhiều nội dung đáng chú ý liên quan đến kế hoạch kinh doanh năm 2023.

Lợi nhuận dự kiến dè dặt hơn

Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) vừa công bố tài liệu họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 với các chỉ tiêu chính dự kiến đều tăng trưởng trong năm nay.

Cụ thể, năm 2023, Nam A Bank đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 205.000 tỷ đồng, tăng 15,4% so với năm 2022. Huy động vốn dự kiến tăng 12,8% so với năm 2022, trong khi dư nợ cho vay tăng 10,4% nhưng vẫn đảm bảo tỷ lệ tăng trưởng tín dụng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Đáng chú ý, trong năm nay, Nam A Bank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 2.400 tỷ đồng, chỉ tăng 5-6% so với kết quả đạt được trong năm 2022. Năm 2022, ngân hàng này ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế đạt 2.268 tỷ đồng, tăng 26,1% so với năm trước đó, sát với kế hoạch đặt ra là 2.250 tỷ đồng.

Nam A Bank cho biết, mức lợi nhuận dự kiến trong năm 2023 được tính toán trên cơ sở tăng trưởng tín dụng đạt được mức kế hoạch đề ra và phù hợp quy định Ngân hàng Nhà nước; đảm bảo các tỷ lệ an toàn theo quy định hiện hành và điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định.

Tài liệu phục vụ Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cũng cho thấy, ngân hàng này khá thận trọng khi đặt mục tiêu lợi nhuận trong năm nay.

Cụ thể, VIB dự kiến lợi nhuận trước thuế năm 2023 đạt 12.200 tỷ đồng, tăng 15,3% so với năm 2022. Dù lợi nhuận dự kiến vẫn tăng trưởng 2 chữ số, tuy nhiên tốc độ tăng giảm một nửa so với kế hoạch lợi nhuận năm trước đó (năm 2022 VIB đặt mục tiêu lợi nhuận tăng 31% so với năm 2021).

Dẫu vậy, một số chỉ tiêu kinh doanh chính khác vẫn được ngân hàng này đặt mục tiêu tăng trưởng tích cực hơn trong năm nay. Chẳng hạn, VIB  đặt mục tiêu tổng tài sản, tổng dư nợ tín dụng tăng 25%; trong đó, tổng dư nợ tín dụng sẽ được điều chỉnh phụ thuộc vào mức Ngân hàng Nhà nước cho phép. Ngoài ra, ngân hàng này cũng đặt mục tiêu huy động vốn tăng 26,2%.

Trước đó, tại hội nghị triển khai kế hoạch kinh doanh năm 2023, lãnh đạo Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 12% so với năm 2022. Năm 2022, Vietcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế riêng lẻ tăng 39% và đạt 119% kế hoạch năm.

Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) hồi đầu tháng 12/2022 công bố kế hoạch kinh doanh năm 2023 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 35% so với con số thực hiện năm 2022 là 3.700 tỷ đồng.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý I/2023 của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy các tổ chức tín dụng tỏ ra thận trọng hơn khi dự báo kết quả kinh doanh cho thời gian tới.

Theo đó, có 56,4-75,4% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý I và cả năm 2023, nhưng mức độ kỳ vọng cải thiện thấp hơn so với năm 2022.

Kết quả điều tra cũng cho biết, có 95,3% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng dương trong năm 2023 so với năm 2022; trong khi đó có 2,8% tổ chức tín dụng dự kiến lợi nhuận tăng trưởng âm và 1,9% dự kiến lợi nhuận không thay đổi.

Như vậy, đến thời điểm này, ngoại trừ Eximbank, kế hoạch lợi nhuận năm 2023 được các ngân hàng thương mại đưa ra có phần thận trọng hơn trong bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi tăng trưởng kinh tế chậm lại, lãi suất tiếp tục ở mức cao…

Điều gì sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận các ngân hàng?

Tại một tọa đàm mới đây, bà Trần Kiều Oanh, Trưởng phòng Phân tích Định chế tài chính FiinGroup chỉ ra một số thách thức ảnh hưởng đến triển vọng ngành ngân hàng trong năm 2023.

Đáng chú ý, chất lượng tín dụng đang đi xuống ở nhiều ngành, nợ xấu dần lộ diện kể từ khi Thông tư 14/2021/TT-NNNN sửa đổi các Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 hết hiệu lực từ tháng 6/2022. Cuối năm 2022, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã tăng lên 1,92%, tỷ lệ nợ xấu gộp khoảng 4,5%.

Rủi ro nợ xấu tiềm ẩn từ danh mục tín dụng bất động sản, bao gồm cho vay chủ đầu tư bất động sản, cho vay người mua nhà và nợ xấu chéo từ trái phiếu bất động sản. Việc cho phép tái cơ cấu dư nợ trái phiếu bất động sản hiện đang có nhiều ý kiến tại dự thảo Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế cũng là thách thức nếu không sớm được thực thi.

Các ngân hàng có tỷ lệ nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp và cho vay lĩnh vực bất động sản ở mức cao sẽ đối diện áp lực tăng trích lập dự phòng, làm xói mòn lợi nhuận.

Bên cạnh đó, đại diện FiinGroup cũng cho rằng, môi trường lãi suất cao khiến biên lãi ròng (NIM) có khả năng bị thu hẹp trong nửa đầu năm 2023. Mặt bằng lãi suất huy động liên tục tăng cao khiến chi phí vốn của ngân hàng bị đội lên, trong khi đó tỷ suất tài sản sinh lãi có thể tăng chậm hơn, cùng với việc cho vay có độ trễ tái định giá 3-6 tháng dẫn đến NIM có thể thu hẹp nhẹ trong 1-2 quý tới.

Trong khi đó, trước các cú sốc từ môi trường kinh doanh bất lợi, tỷ lệ an toàn vốn của các ngân hàng Việt Nam vẫn tương đối mỏng so với các quốc gia trong khu vực.

Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cũng cho rằng, ngành ngân hàng đang gặp phải nhiều rủi ro về tăng trưởng chậm lại trong năm 2023. Điều này bao gồm tăng trưởng tín dụng chậm lại; lãi suất huy động gia tăng, tỷ lệ CASA giảm dẫn tới NIM thu hẹp và rủi ro nợ xấu tăng cao hơn dự báo, do ảnh hưởng từ thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp.

Tuy nhiên, bù lại, cơ cấu tài sản của các ngân hàng đã được cải thiện rất nhiều đi cùng vi
ệc đẩy mạnh cho vay bán lẻ giúp giảm thiểu rủi ro tập trung. Bên cạnh đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu được đưa lên mức cao kỷ lục tạo bộ đệm tương đối vững chắc.

“Trong giai đoạn môi trường kinh doanh gặp nhiều khó khăn, BSC cho rằng ngành ngân hàng sẽ cần ưu tiên kiểm soát chất lượng tài sản thay vì tăng trưởng lợi nhuận trong giai đoạn tới và có thể thời kỳ xây đắp bộ đệm dự phòng sẽ quay trở lại”, nhóm phân tích của BSC khuyến nghị.

Trước những rủi ro về chi phí vốn gia tăng, NIM thu hẹp, tỷ lệ nợ xấu gia tăng, BSC cho rằng, các ngân hàng thương mại được ưu tiên về room tín dụng, có danh mục cho vay thận trọng, chênh lệch kỳ hạn lãi suất thấp và duy trì được tỷ lệ CASA cao sẽ có nhiều cơ hội nhất để vượt qua khó khăn ngắn hạn này. Đây có thể sẽ là những ngân hàng có đủ khả năng để duy trì mục tiêu kép về tăng trưởng mà vẫn đảm bảo chất lượng tài sản.

Có thể bạn quan tâm