Ngân hàng Nhà nước khẳng định gói tín dụng 120.000 tỷ đồng chỉ dành để hỗ trợ cho loại hình nhà ở xã hội (NƠXH), nhà cho công nhân và người thu nhập thấp, đồng thời lãi suất dành cho người vay gói này sẽ thấp hơn từ 1,5-2% so với mức lãi suất chung của thị trường. Tuy nhiên, lãi suất như vậy vẫn ở mức cao so với thu nhập của nhóm đối tượng mua nhà ở xã hội.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2 mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước ưu tiên nguồn vốn cho nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân, Bộ Xây dựng đã đề xuất Ngân hàng Nhà nước bố trí gói tín dụng ưu đãi liên quan 2 phân khúc nhà ở này.
Sau khi phân tích với điều kiện hiện nay và cân nhắc với tình hình thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã bàn với 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước là Vietcombank, Agribank, BIDV, VietinBank. 4 ngân hàng đã đồng ý thống nhất gói tín dụng quy mô 120.000 tỷ đồng với nội dung mỗi ngân hàng sẽ dành khoảng 30.000 tỷ đồng cho 2 đối tượng là nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân.
“Trường hợp có thêm các ngân hàng thương mại đủ điều kiện tham gia thì quy mô gói này có thể tăng lên”, ông Hà cho biết.
Về lãi suất, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, xuất phát từ việc muốn giải quyết khó khăn cho thị trường bất động sản nên các ngân hàng đã dự kiến mức lãi suất cho vay gói này sẽ thấp hơn từ 1,5-2 điểm % so với tất cả mức cho vay thông thường của các ngân hàng.
“Sau cuộc họp của Chính phủ về giải quyết khó khăn cho thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đang dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển. Trên cơ sở nội dung của Nghị quyết được ban hành, Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai theo đúng chỉ đạo của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Cụ thể là gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với 4 ngân hàng thương mại vốn Nhà nước cùng với lãi suất thấp 1,5-2 điểm % so với mức cho vay thông thường”, Phó Thống đốc thông tin.
Nhìn nhận về mức lãi suất của gói tín dụng mới này, nhiều chuyên gia cho rằng, với mức lãi suất trên, người mua nhà và cả doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận hơn so với mức lãi suất 5% của gói vay 30.000 tỷ đồng trước đó.
Người mua nhà và doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận gói tín dụng 120.000 tỷ đồng
Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam cho biết, với mức lãi suất thấp hơn 1,5 – 2% so với lãi suất thị trường, những người NƠXH cũng vẫn khó khăn để tiếp cận và vay vốn mua nhà.
Hiện tại, nếu cộng thêm các khoản phí khác thì mức lãi suất thị trường hiện tại đang rơi vào 14-15%, khối ngân hàng đang có động thái hạ lãi suất tiết kiệm nên dự kiến, thời gian tới lãi suất vay có thể giảm xuống nhưng sẽ khó thấp hơn mức 10%/năm. Như vậy, đối tượng vay mua NƠXH, nhà ở công nhân vẫn phải chấp nhận mức lãi suất thấp nhất cũng trên 9%/năm. Với mức lãi suất này, vẫn khá ít người có thu nhập thấp tiếp cận được.
“Về bản chất, gói 120.000 tỷ đồng khác hẳn so với gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng trước đây. Việc không cố định lãi suất mà thả nổi theo xu hướng tăng giảm của thị trường cũng khiến nhiều người thu nhập thấp bấp bênh tâm lý khi vay mua nhà ở xã hội bằng gói tín dụng này. Nhu cầu mua NƠXH luôn rất lớn, gần như cung không bao giờ đủ cầu.
Tuy nhiên nguồn cung hiện tại quá ít ỏi, chính sách xét duyệt vay mua cũng khó khăn, vậy nên để gói tín dụng này đi vào thực tiễn vẫn cần phải xem xét tính khả thi, khả năng tiếp cận để có sự điều chỉnh phù hợp hơn với thực tế thị trường”, ông Tuấn chia sẻ trên Batdongsan.com.vn.
Nhận định về lãi suất gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội, PGS.TS. Ngô Trí Long – Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học – Đào tạo, Đại học Thành Đông; nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) chia sẻ trên Reatimes: Tôi cho rằng, nhìn chung đây là ý tưởng tốt. Về đối tượng áp dụng, trên thị trường hiện nay rất khan hiếm nguồn cung nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Cả hệ thống chính trị hiện nay cùng vào cuộc để làm sao tìm giải pháp gỡ khó cho phân khúc này, thúc đẩy nguồn cung sản phẩm trên thị trường, giải quyết nhu cầu ở thực cho người dân.
Về mức độ hỗ trợ lãi suất từ 1,5-2%, xét trên lãi suất hiện tại, sau khi giảm rồi sẽ ở mức trên dưới 10%, có thể sẽ vẫn là khó khăn với các đối tượng ở cả phía cung và cầu liên quan đến nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Bởi nhìn từ đối tượng phía cung là doanh nghiệp, làm nhà ở xã hội thì không có lãi nhiều, chi phí đầu vào cao mà lại bị khống chế giá bán ra sẽ ảnh hưởng đến yếu tố lợi nhuận trong kinh doanh của họ. Đó cũng là vấn đề cần xem xét khi phía ngân hàng thiết kế chính sách.
Tất nhiên, ngược lại, vấn đề quan trọng nhất hiện tại là doanh nghiệp đang thiếu vốn, cho nên giảm được bao nhiêu cũng là quý, có vẫn hơn không. Mức độ 1,5-2% có thể doanh nghiệp cũng sẽ chấp nhận được vì bên cạnh chính sách ưu đãi tín dụng, còn có ưu đãi về tiền thuê đất, chính sách thuế.
Còn nhìn từ đối tượng phía cầu là người mua nhà, tôi cho rằng, mức giảm 1,5-2% có thể sẽ khó thực thi vì người dân thuộc đối tượng chính sách xã hội, người nghèo sẽ khó theo được.
Để có thể triển khai gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng một cách hiệu quả, PGS.TS. Ngô Trí Long cho hay: Tôi tạm ví thị trường như đang bên bờ vực thẳm, các chính sách hỗ trợ nếu chậm thì sẽ rất nguy hiểm cho thị trường. Doanh nghiệp ngừng hoạt động sẽ tạo ra hệ lụy rất lớn.
Cho nên, trong bối cảnh cấp bách như hiện nay, thứ nhất là cần phải triển khai vào đúng đối tượng, lựa chọn đối tượng hợp lý; thứ hai là triển khai một cách kịp thời, sớm; và thứ ba là thiết kế chính sách để triển khai với tính khả thi cao.
Về đối tượng, cần phân tích bên cầu hay bên cung cần hỗ trợ, với tỷ lệ như thế nào, từ đó để thiết kế chính sách. Đối tượng cho vay áp dụng cho nhà ở xã hội hay mở rộng cho cả nhà ở thương mại; nếu là nhà ở thương mại thì áp dụng cho phân khúc nào, bình dân hay trung cấp, liền kề hay chung cư…
Về thời điểm, hiện tại thị trường có thể nói là đang “cấp cứu” rồi. Chính sách được đưa ra có điểm rơi tốt sẽ là cú hích thúc đẩy thị trường phục hồi.
Nói như vậy để hiểu rằng, các cơ quan làm chính sách cần hoạch định, xây dựng phương án rất cụ thể, mọi tiêu chí đều cần rất rõ ràng, tránh tình trạng đưa ra chính sách một cách chung chung.
Và cũng không có nghĩa là chỉ có doanh nghiệp và ngân hàng tự tháo gỡ với nhau, mà bên cạnh đó cần triển khai nhiều giải pháp động bộ thuộc vai trò của cả những cơ quan khác nữa, ví như Bộ Xây dựng cần cấp phép như thế nào để đẩy nhanh tiến độ hơn khi mà doanh nghiệp phản ánh là khó khăn.
Tóm lại, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên, các cơ quan quản lý chuyên trách từng lĩnh vực.