Nhiều nhà đầu tư bày tỏ lo ngại về việc cho phép doanh nghiệp thanh toán nợ trái phiếu bằng tài sản khác sẽ mở lối đi mới cho doanh nghiệp chây ì, không trả nợ trái phiếu đến hạn mà ép nhà đầu tư nhận sản phẩm.
Ngày 5/3, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) ra thị trường quốc tế.
Một trong những điểm quan trọng tại Nghị định vừa được ban hành là việc cho phép doanh nghiệp thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác cũng như được phép kéo dài kỳ hạn trái phiếu tối đa không quá hai năm.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC), Nghị định 08 tạo cơ sở pháp lý cho việc đàm phán trả nợ trái phiếu bằng tài sản khác, thực hiện đàm phán rõ ràng và nhất quán hơn, tạo cơ sở giảm thiểu rủi ro tranh chấp sau này.
Đồng thời, các quy định mới giúp doanh nghiệp phát hành trái phiếu giảm nguy cơ vỡ nợ, cũng như giúp doanh nghiệp có nhiều lựa chọn để cơ cấu lại TPDN đã phát hành và thoả thuận với nhà đầu tư.
Lo ngại DN trả nợ trái phiếu bằng sản phẩm
Tuy nhiên, đối với nhà đầu tư, các quy định này lại không mang lại nhiều lợi ích, thậm chí có nhà đầu tư lo ngại việc cho phép doanh nghiệp thanh toán nợ trái phiếu bằng tài sản khác sẽ mở lối đi mới cho doanh nghiệp.
Theo Nghị định 08, các quy định về trả nợ bằng tài sản khác hay việc kéo dài kỳ hạn chỉ được áp dụng trong trường hợp nhà phát hành được sự đồng ý của trái chủ, tuy nhiên một số nhà đầu tư lo ngại về nguy cơ doanh nghiệp có tiền nhưng không trả nợ mà trả bằng sản phẩm hoặc chây ì không trả nợ trái phiếu đến hạn.
Một số nhà đầu tư cũng bày tỏ băn khoăn về việc định giá tài sản của doanh nghiệp ra sao, các quy định pháp lý về việc thanh toán nợ trái phiếu bằng tại sản khác như thế nào, chế tài đối với doanh nghiệp không tuân thủ thoả thuận,….
Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, Nghị định 08 có nhiều điểm mà thị trường đang rất mong chờ song mới chỉ đáp ứng được nhu cầu của các nhà phát hành chứ chưa đề cập nhiều đến quyền lợi của nhà đầu tư.
“Quy định này chỉ giải quyết được vấn đề của bên bán (nhà phát hành) chứ chưa “động chạm” đến quyền lợi của bên mua (nhà đầu tư)”, ông Ánh nói.
Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Nguyễn Danh Huế, Công ty Luật TNHH Hừng Đông, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, Nghị định 08 ban hành cũng tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về dòng tiền do rủi ro khách quan hoặc khủng hoảng.
Tuy nhiên, nếu không cẩn thận, một số doanh nghiệp sẽ lợi dụng quy định này để ép trái chủ buộc phải nhận sản phẩm thay vì tiền mặt, trong khi trái phiếu là một kênh đầu tư lấy lãi suất và nhà đầu tư bỏ tiền ra mua trái phiếu thì sẽ muốn nhận lại bằng tiền.
Trong trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn, phải thanh toán bằng sản phẩm thì giá sản phẩm lại là một vấn đề cần thoả thuận giữa hai bên.
Một điểm nữa là quy định này rất dễ bị lợi dụng, bởi các sản phẩm bất động sản hiện nay nhất là phân khúc cao cấp đang khá dư thừa, nếu doanh nghiệp chây ì không chịu chiết khấu sâu để bán hàng, trả tiền cho nhà đầu tư mà yêu cầu họ nhận bằng bất động sản cao cấp thì sẽ rất khó cho nhà đầu tư vì không có thanh khoản.
Luật sư Huế phân tích, bản chất quan hệ giữa nhà phát hành và trái chủ là thoả thuận dân sự, các thoả thuận này có hiệu lực khi thể hiện ý chí tự nguyện và giao kết đó không trái luật. Quy định có thể thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản khác phải tuân theo quy định của Luật Dân sự và pháp luật có liên quan nhưng phải được người sở hữu trái phiếu chấp thuận.
Đây là giao dịch đơn lẻ, mỗi nhà đầu tư bỏ tiền ra mua trái phiếu doanh nghiệp là một chủ thể độc lập. Trong trường hợp doanh nghiệp và nhà đầu tư thống nhất được việc trả nợ trái phiếu bằng tài sản khác thì thực hiện còn nếu những nhà đầu tư này không đồng ý thì phía doanh nghiệp vẫn buộc phải thanh toán theo thoả thuận trước đó.
Trong các trường hợp hai bên mâu thuẫn với nhau, nhà đầu tư chỉ có thể khởi kiện ra toà án để đòi quyền lợi. Tuy nhiên, hiệu lực hiệu quả thi hành án pháp luật dân sự hiện rất thấp, có trường hợp doanh nghiệp tẩu tán tài sản, văn phòng chỉ là đi thuê thì rõ ràng thiệt thòi về phía nhà đầu tư vẫn là nhiều hơn.
Chỉ trong trường hợp doanh nghiệp huy động tiền trái phiếu sử dụng sai mục đích, vi phạm các quy định pháp luật và bị khởi tố thì sẽ có yếu tố vi phạm pháp luật hình sự. Trong trường hợp này, nhà đầu tư sẽ phải làm đơn khiếu kiện ra cơ quan công an để cơ quan điều tra. Với trường hợp này, khả năng lấy lại được tiền sẽ cao hơn, luật sư Huế đánh giá.
Vì vậy, theo luật sư Huế, nguy cơ rất lớn nếu doanh nghiệp lợi dụng các quy định tại Nghị định 08, không chịu trả tiền hoặc ép nhà đầu tư nhận sản phẩm, khả năng cao nhà đầu tư phải chấp thuận thay vì khởi kiện vì có thể sẽ tốn thời gian, công sức mà vẫn không thu lại được tiền.
Cần sửa đổi Thông tư 16, tạo thanh khoản cho thị trường
Ngoài mối lo ngại của nhà đầu tư, theo báo cáo từ Maybank Investment Bank việc ban hành Nghị định 08 chỉ có thể giúp làm giảm áp lực trả nợ của các nhà phát hành trái phiếu, song lại vẫn không đủ để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư và khôi phục thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Trên thị trường trái phiếu, hầu hết các bên phát hành có nguy cơ chậm trả nợ trái phiếu là công ty bất động sản đang chật vật với nợ. Do đó, nếu không có các động thái hỗ trợ thanh khoản việc giải cứu thị trường là rất khó.
Hiện tại, niềm tin của nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ vào thị trường TPDN đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nên chỉ có các ngân hàng sẽ và nên mua TPDN mới phát hành, đặc biệt là các trái phiếu phát hành cho mục đích tái cấp vốn,Maybank Investment Bank nhận định.
Điều này nằm trong quy định của Nghị định 08 (trước đây là Nghị định 65) cho phép công ty phát hành TPDN với mục đích tái cấp vốn. Tuy nhiên, Thông tư 16 của ngành Ngân Hàng cũng không cho phép các ngân hàng mua các TPDN theo mục đích này. Vì vậy, công ty này đề suất cần sớm sửa đổi các quy định để cho phép ngân hàng mua lại TPDN, tạo thanh khoản và nhằm xây dựng lại thị trường.