Sau 3 năm đàm phán và hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, tổ yến Việt Nam sẽ là sản phẩm tiếp theo bước chân vào thị trường rộng lớn Trung Quốc. Đây là cơ hội, nhưng cũng là thách thức lớn với các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng “xa xỉ” này.
Cơ hội rộng mở cho thị trường xuất khẩu tổ yến
Ngày 16/11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan đã chính thức ký Nghị định thư về xuất khẩu tổ yến từ Việt Nam sang Trung Quốc. Nghị định thư này đã được phía nước bạn ký trước rồi chuyển về Việt Nam. Theo đó, Bộ NN&PTNT chính thức khởi động xúc tiến công tác chuẩn bị để sớm xuất khẩu chính ngạch tổ yến sang Trung Quốc.
Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ tổ yến lớn nhất thế giới, chiếm hơn 80% thị phần toàn cầu. Các số liệu chuyên ngành tổ yến tại Trung Quốc cho biết nhập khẩu tổ yến chính ngạch vào Trung Quốc năm 2019 là 180 tấn, năm 2020 là 220 tấn và năm 2021 khoảng hơn 300 tấn.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Việt Nam cũng có nhiều điều kiện tự nhiên như bờ biển dài, nhiều vịnh, đầm, phá… thuận lợi để phát triển ngành nuôi yến. Chất lượng sản phẩm tổ yến của Việt Nam được đánh giá vượt trội so với các nước trong khu vực. Nhờ vậy, sản phẩm tổ yến của Việt Nam được khách hàng Trung Quốc rất ưa chuộng.
Nhận thức được Trung Quốc là một thị trường rộng lớn và lợi thế trong nước có điều kiện tự nhiên ưu đãi để phát triển nghề nuôi yến, trong suốt 3 năm qua, Bộ NN&PTNT đã đưa vào chiến lược và kiên trì để đưa loại thực phẩm này vào Trung Quốc.
“Kết quả đến nay là nghị định thư giữa hai nước đã được hoàn tất và Bộ NN&PTNT chính thức khởi động xuất khẩu chính ngạch tổ yến sang thị trường Trung Quốc”, Bộ trưởng Hoan cho hay. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, nghị định thư xuất khẩu chính ngạch tổ yến được kỳ vọng sẽ kích hoạt chuỗi ngành hàng này, tuy nhiên toàn ngành cần được cấu trúc lại để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn, giúp thu nhập của người nuôi yến và doanh nghiệp chế biến yến được cải thiện, bền vững.
Giá trị tổ yến tăng 3-5 lần nếu xuất khẩu thành công
Trao đổi với phóng viên, bà Phạm Hồng Tươi – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Yến Sào Việt Nam cho biết, khi các doanh nghiệp đi tìm hiểu thị trường, họ phản hồi rằng sản lượng tổ yến của cả nước Việt Nam (khoảng 200 tấn) không đủ để đáp ứng cho một tỉnh ở Trung Quốc.
“Theo tôi được biết, trữ lượng tổ yến của nước ta chỉ bằng 1/10 của Indonesia và 1/100 của Malaysia (2 thị trường xuất khẩu chính vào Trung Quốc) nhưng chất lượng tổ yến của Việt Nam đang được đánh giá cao hơn hẳn”, bà Tươi khẳng định.
Dẫn chứng hiện nay giá bán tổ yến thô trong nước dao động 18 – 25 triệu/kg, tổ yến thành phẩm 34 – 54 triệu/kg; trong khi nếu xuất khẩu, giá trị có thể tăng lên 3-5 lần; bà Tươi nhấn mạnh đây chính là “cuộc chiến” mà doanh nghiệp Việt phải tham gia để tăng giá trị gia tăng cũng như mở rộng thị trường.
“Trung Quốc ăn yến như một văn hóa. Tổ yến là mặt hàng duy nhất họ không tự sản xuất, cũng không làm giả để hạ giá thành xuống. Thậm chí giá sẽ ngày càng tăng, trong bối cảnh tầng lớp nhà giàu bên Trung Quốc tăng trưởng rất nhanh, mức sống cũng ngày càng nâng cao”, Chủ doanh nghiệp Yến Sào Việt Nam cho biết.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp kinh doanh tổ yến đã nhận được đơn đặt hàng từ nước bạn, ngay sau khi hoàn thiện thủ tục pháp lý thì các đơn hàng sẽ được xuất khẩu.
Vướng mắc còn tồn đọng
Khác với nhiều mặt hàng nông nghiệp khác, mặt hàng tổ yến có nhiều đặc thù. Đồng thời đây cũng là lần đầu tiên tổ yến được phép xuất khẩu sang Trung Quốc. Do đó, thách thức và vướng mắc tồn đọng là điều không tránh khỏi. Theo Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Yến Sào Việt Nam, các doanh nghiệp cần nhanh chóng tìm hiểu thị trường, nhất là các quy định để đi đúng hướng và có sự chuẩn bị sẵn sàng.
“Về phía doanh nghiệp, chúng tôi đang có hai sự chuẩn bị chính. Thứ nhất là về khối nhà yến, cần hoàn thiện, chỉn chu lại toàn bộ hạ tầng, những yêu cầu kỹ thuật để chim yến có môi trường phát triển và cho sản lượng tốt nhất. Thứ hai là thủ tục pháp lý, đặc biệt là mã nhà yến và thứ ba là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, liên quan đến các yêu cầu về kiểm dịch tại nhà yến”, bà Tươi cho biết.
Liên quan đến mã nhà yến, các doanh nghiệp cũng bày tỏ lo ngại rằng khi các thông tin về mã nhà yến của doanh nghiệp được đăng tải công khai trên trang web sẽ khiến một số đơn vị lấy mã đó và đưa về danh sách, xin chứng nhận.
Cũng theo bà Tươi, trong văn bản hướng dẫn của Bộ NN&PTNT, hiện nay doanh nghiệp phải khai báo với quá nhiều cơ quan. “Thứ nhất, chúng tôi phải khai báo với địa phương (xã, phường) nơi nhà yến đang có. Thứ hai là khai báo với Cục Chăn nuôi để được vào danh sách và thứ ba là khai báo với Cục Thú y để kiểm soát dịch bệnh. Ngoài ra, tại các địa phương, việc nhà yến xuất trình các giấy tờ như sổ đỏ, giấy phép xây dựng, giấy phép kinh doanh… là rất khó vì có tới 70% nhà yến là tự phát.” – Bà nói.
Liên quan đến vấn đề kiểm soát dịch bệnh, hiện phía Trung Quốc quy định nếu một vùng có dịch là tất cả nhà yến khu vực đó không được xuất khẩu. “Đây cũng là vấn đề các doanh nghiệp rất quan tâm, vì mỗi nhà yến được đầu tư lên tới cả tỷ đồng, cộng thêm quy trình chế biến hiện đại để đáp ứng những quy định ngặt nghèo từ Trung Quốc (điể
n hình như việc rút lông khô tổ yến. Đây là kỹ thuật không được dùng nhiều ở Việt Nam). Với sự đầu tư hiện đại, chỉ cần một khâu nào đó ( ví dụ kiểm soát dịch không tốt) thì toàn bộ chuỗi sản xuất sẽ bị ảnh hưởng, thiệt hại lên tới cả trăm tỷ đồng”, Tổng giám đốc Yến Sào Việt Nam nói.
“Theo tôi được biết, tại Trung Quốc giá tổ yến đang được bán khoảng 300 – 500 triệu/kg, giá mình bán xuất sang là 165 triệu/kg (đã làm sạch). Ví dụ một nhà yến có thể làm ra 5-10kg/tháng, nếu xuất khẩu thành công sẽ thu về khoảng 1,6 tỷ đồng/tháng. Chỉ vì lỗi rất nhỏ, khiến hàng không thể xuất khẩu sẽ gây ra thiệt hại lớn. Hàng quay đầu cũng sẽ gây nên sự xáo trộn không nhỏ thị trường nội địa”, bà Tươi nhấn mạnh.
Từ thực tế đó, doanh nghiệp yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ, minh bạch thông tin liên quan đến mã số nhà yến, vùng khai thác yến và những yêu cầu liên quan kiểm dịch, kiểm nghiệm. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần được kiểm tra thường xuyên, tránh gây ảnh hưởng đến những lô hàng cùng vùng.
Kỳ vọng sự quan tâm của các cơ quan chức năng, bà Tươi cho hay: “Yến là loài rất đặc biệt, không ai nuôi được nhưng giá trị đem lại rất lớn. Nếu so sánh với nông sản, một vùng trên vài hecta có thể chỉ thu về vài chục triệu, khai thác theo vụ, theo năm; nhưng một nhà yến nếu làm tốt một tháng có thể thu về vài tỷ đồng. Trên thực tế, tổ yến có thể khai thác 11/12 tháng, doanh thu một năm lên tới hàng chục tỷ đồng. Khi đã được xuất khẩu chính ngạch, các doanh nghiệp mong muốn Nhà nước quan tâm đặc biệt đến ngành này, vì nó đem lại nguồn ngoại tệ rất tốt”.
Trong giai đoạn chuẩn bị, phía doanh nghiệp cho biết trước mắt sẽ làm việc với các Bộ, ban ngành để làm rõ các vấn đề để đảm bảo tính an toàn khi đầu tư, sau đó mới có thể sẵn sàng cho việc thay đổi.
Trước đó, chia sẻ tại Diễn đàn “Thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng, chanh leo, khoai lang, chuối và các sản phẩm nông sản – thực phẩm chủ lực sang thị trường Trung Quốc” sáng 10/12 tại Hà Nội, ông Đỗ Văn Hoan – Phó Trưởng phòng Giống vật nuôi, Cục Chăn nuôi cho biết, các nhà nuôi yến xuất khẩu phải được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam và được Tổng Cục Hải quan Trung Quốc thông qua hồ sơ. Hệ thống văn bản quản lý Nhà nước có nhiều nghị định, quy định, thông tư chi tiết yêu cầu về quy định nhà nuôi, điều kiện sơ chế, chất lượng tổ yến…
“Trong quá trình thực hiện, chúng tôi hướng tới cấp đăng ký nhà yến theo hệ thống phần mềm, căn cứ Quyết định số 124/2004/QĐ-TTg của Chính phủ về việc ban hành bảng danh mục và mã số các đơn vị hành chính để cấp mã số và Thông tư 20/2019- BNNPTNT quy định về cập nhật, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi”, ông Hoan cho biết.
Để thực hiện chuyển đổi số, Cục Chăn nuôi đã phối hợp với Tập đoàn VNPT xây dựng phần mềm để cập nhật cơ sở dữ liệu cơ sở chăn nuôi, và cơ sở thức ăn chăn nuôi. Như vậy, ngoài đăng ký bằng đơn bình thường, Cục cũng có hệ thống để các cơ sở có thể đăng ký trực tuyến.