Trang chủ Việt NamĐầu tư phát triển Nhìn lại bức tranh toàn cảnh ngành nông nghiệp năm 2022

Nhìn lại bức tranh toàn cảnh ngành nông nghiệp năm 2022

bởi Linh

Sáng ngày 29/12/2022, Tổng cục Thống kê (TCTK) đã công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội tháng 12 và quý IV năm 2022. Được xem như một trong những trụ đỡ chính của nền kinh tế – nhất là trong giai đoạn nhiều biến động, ngành nông nghiệp với sự ghi dấu của lúa gạo và cây trồng tiếp tục ghi nhận những kết quả tăng trưởng lạc quan.

TOÀN CẢNH BỨC TRANH NGÀNH NÔNG – LÂM – THỦY SẢN NĂM 2022

Theo Tổng cục Thống kê, trong năm 2022, mặc dù ngành nông nghiệp phải đối diện với hàng loạt diễn biến xấu như điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, giá vật tư, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp (xăng dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi,…) tăng mạnh những tháng đầu năm, khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày càng tăng bởi tác động kép của xung đột Nga – Ukraine,….

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp đã chủ động triển khai hàng loạt biện pháp, do đó không những đảm bảo an ninh lương thực trong nước, mà còn góp phần vào tăng trưởng chung của kinh tế cả nước.

Theo đó, trong quý IV, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,85%. Trong cả năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,36%, đóng góp 5,11% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; đồng thời vượt chỉ tiêu Chính phủ giao là tăng trưởng 2,5-2,8%.

Xếp theo từng lĩnh vực, ngành nông nghiệp tăng 2,88%, đóng góp 0,27 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 6,13%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 4,43%, đóng góp 0,12 điểm phần trăm.

 

Giảm diện tích lúa gạo để tái cơ cấu cây trồng

Năm 2022, diện tích lúa cả năm ước đạt 7,1 triệu ha, giảm 127,7 nghìn ha so với năm trước. Sản lượng lúa đạt 42,66 triệu tấn, giảm 1,19 triệu tấn. 

Lúa đông xuân: Diện tích gieo cấy đạt 2.975,6 nghìn ha, giảm 30,9 nghìn ha so với vụ đông xuân năm trước. Không chỉ diện tích giảm, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao cũng khiến người dân hạn chế chăm sóc, dẫn đến sản lượng giảm648,5 nghìn tấn, đạt gần 20 triệu tấn. 

Lúa hè thu: Diện tích gieo trồng lúa hè thu cả nước năm 2022 đạt 1.914,7 nghìn ha, giảm 38,1 nghìn ha so với vụ hè thu năm 2021; sản lượng ước đạt 10,8 triệu tấn, giảm 304,3 nghìn tấn.

Lúa thu đông: Diện tích gieo trồng lúa thu đông năm 2022 ước đạt 648,7 nghìn ha, giảm 70,6 nghìn ha so với vụ thu đông năm trước; sản lượng ước đạt 3,6 triệu tấn, giảm 390,1 nghìn tấn.

Lúa mùa: Vụ mùa năm nay cả nước gieo cấy được 1.553,1 nghìn ha, tăng 11,9 nghìn ha so với vụ mùa năm trước; sản lượng ước đạt 8,2 triệu tấn, tăng 151,9 nghìn tấn.

Diện tích một số cây hàng năm giảm sút

Diện tích gieo trồng một số cây hoa màu như ngô, khoai lang, lạc, đậu tương giảm so với năm trước do hiệu quả kinh tế không cao, nông dân thu hẹp sản xuất để tập trung vào trồng rau hoặc chuyển sang trồng cây ăn quả hoặc cây làm thức ăn chăn nuôi, thực hiện kinh tế nông nghiệp tuần hoàn. 

Diện tích một số cây hàng năm giảm sút

 Sản lượng một số cây hàng năm chủ yếu. (Ảnh: Tổng cục thống kê)

Diện tích cây trồng lâu năm tăng nhẹ

Năm 2022, diện tích trồng cây lâu năm ước đạt 3.712,1 nghìn ha, tăng 0,8% so với năm 2021, trong đó nhóm cây công nghiệp đạt 2.194,3 nghìn ha, giảm 0,4%; nhóm cây ăn quả đạt 1.212,8 nghìn ha, tăng 3,5%.

Diện tích cây trồng lâu năm tăng nhẹ

 

Về nhóm cây ăn quả, diện tích trồng đã gia tăng ở một số cây như: sầu riêng tăng 25,1 nghìn ha, mít tăng 7,8 nghìn ha; ổi, na, chanh leo đều tăng hơn 2 nghìn ha; bưởi tăng 1,8 nghìn ha do đây là những nông sản có thị trường tiêu thụ ổn định và dễ chăm sóc, vận chuyển, bảo quản. 

 

Trả lời báo chí sáng 29/12 về triển vọng ngành trong năm 2023, bà Nguyễn Thị Hương -Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định, tình hình kinh tế thế giới trở nên khó khăn hơn dự báo sẽ tác động không nhỏ tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Quốc hội đã đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2023 là 6,5%, thấp hơn kết quả đạt được của năm 2022 là 8,02% và đây sẽ là mục tiêu đầy thách thức.

Để đạt được con số này, động lực chính là ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục thể hiện rõ vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, không chỉ bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước mà còn khẳng định vị trí là nước xuất khẩu nông sản hàng đầu, đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu. Với sự nỗ lực không ngừng, năm 2023 được dự báo vẫn sẽ một năm gặt hái nhiều thành công của ngành này.

CÒN NHIỀU THÁCH THỨC

Trên thực tế, trong những năm qua, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục giữ được triển vọng sáng bất chấp diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế quốc gia giảm, nhưng tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp liên tục được cải thiện. Năm 2010, nông nghiệp tăng trưởng với tốc độ 0,49% thì năm 2018 đã đạt 3,76%. Đến năm 2020, trong khi tốc độ tăng trưởng của các ngành kinh tế khác đều giảm sâu trong đại dịch thì nông nghiệp vẫn đạt tăng trưởng 2,68%, cao hơn năm 2019 trong khi tốc độ tăng của ngành công nghiệp – xây dựng và dịch vụ đều giảm mạnh. 

Hay trong quý III/2021, quý đầu tiên chứng kiến nền kinh tế cả nước suy giảm mạnh nhất hai thập kỷ qua do tác động của làn sóng Covid 19 lần thứ tư với tăng trưởng GDP quý  ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay. Trong bối cảnh đó, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản vụt lên như “điểm sáng”, là ngành duy nhất tăng trưởng dương 1,04%, trong khi đó khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,02%; khu vực dịch vụ giảm 9,28% so với cùng kỳ 2020. Trong bối cảnh khó khăn, ngành nông nghiệp không chỉ đảm bảo lương thực, thực phẩm cho người dân cả nước trong giãn cách xã hội mà còn đẩy mạnh xuất khẩu, lại lại nguồn ngoại tệ cho nước nhà. 

Tuy nhiên, cũng theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tỷ trọng đóng góp của ngành nông nghiệp vào tăng trưởng GDP đang có chiều hướng đi xuống trong 2 năm gần đây, từ mức 14,53% trong năm 2020 giảm xuống còn 11,88% trong năm nay. 

 

Về phân chia lao động,  so sánh số liệu thống kê hằng năm cho thấy, sự dịch chuyển giảm dần đều về cơ cấu lao động ngành nông nghiệp trong tổng số lao động. Tỷ trọng lao động có việc làm trong khu vực nông, lâm, thủy sản ở nước ta liên tục giảm, từ 40,25% năm 2017 xuống còn 27,47% năm 2022.

Theo thống kê, trong năm 2022, lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc là 50,6 triệu người, bao gồm 13,9 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 1,5% so với năm trước.

 

Các chuyên gia nhận định rằng, thách thức lớn nhất hiện nay đối với lao động nói chung và lao động nông nghiệp ở Việt Nam nói riêng là chất lượng lao động còn thấp, nên không đáp ứng được các yêu cầu đòi hỏi khoa học, kỹ thuật cao, dẫn tới nền nông nghiệp vẫn chưa thể phát triển như kỳ vọng. 

Có thể bạn quan tâm