Trang chủ Tài chínhDịch vụ tài chính Nhìn lại ngành ngân hàng 2022 (Bài 1): Áp lực biên lợi nhuận giảm về cuối năm

Nhìn lại ngành ngân hàng 2022 (Bài 1): Áp lực biên lợi nhuận giảm về cuối năm

bởi Linh

2022 được nhận định là một năm mà bối cảnh kinh tế chung có những tác động đáng kể tới ngành ngân hàng, đặc biệt cuộc đua lãi suất huy động về cuối năm gây áp lực lên biên lợi nhuận.

Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, năm 2022, ngành ngân hàng phải chịu nhiều tác động tiêu cực do nhiều nguyên nhân, bao gồm dư chấn từ đại dịch COVID-19, xung đột tại Ukraine, việc đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát trên thế giới và chính sách chống lạm phát của nhiều nước tác động tới giá trị đồng tiền Việt Nam.

Nhìn lại ngành ngân hàng 2022 (Bài 1): Áp lực biên lợi nhuận giảm về cuối năm

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị (Ảnh: NHNN)

Đặc biệt, bắt đầu vào quý III/2022, tình hình càng có nhiều khó khăn, thách thức khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) liên tiếp tăng lãi suất. Còn ở trong nước, nhiều vấn đề nội tại của nền kinh tế kéo dài nhiều năm đã bộc lộ như tín dụng ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản. Nhà nước đã cương quyết xử lý các sai phạm, tuy nhiên, việc tâm lý của các nhà đầu tư trên các thị trường chứng khoán, trái phiếu, bất động sản và hoạt động của các ngân hàng… bị ảnh hưởng là điều không tránh khỏi.

Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, đặc biệt là sức ép lạm phát tăng cao và sự lên giá của các đồng tiền chủ chốt, ngành Ngân hàng nỗ lực triển khai nhiều giải pháp bảo đảm cung ứng tín dụng cho nền kinh tế, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất – kinh doanh như mở rộng thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng, tập trung vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, một số lĩnh vực ưu tiên có mức tăng tín dụng cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của hệ thống. Nhờ đó, tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ; tích cực, chủ động triển khai nhiều chính sách hỗ trợ các lĩnh vực gặp khó khăn.

Cụ thể, tính đến ngày 19/12/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 11,75 triệu tỷ đồng, tăng 12,54% so với cuối năm 2021; dư nợ tín dụng đối với 23 chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội đến ngày 30/11/2022 đạt 279.732 tỷ đồng, tăng 12,81% so với năm 2021 với hơn 6,4 triệu khách hàng còn dư nợ. 

Ngoài ra, ngành Ngân hàng tiếp tục đi đầu và đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được xếp vị trí thứ 1 về chỉ số xếp hạng an toàn thông tin mạng, thứ 2 về chỉ số thể chế số và xếp thứ 4 về chỉ số hoạt động chuyển đổi số. 

 Kết quả kinh doanh lạc quan nhưng bắt đầu giảm tốc về cuối năm 

Theo Bảng so sánh các ngân hàng Việt Nam dựa trên giá trị vốn hoá (dữ liệu ngày 28/12/2022) được VNDIRECT công bố, 5 ngân hàng đứng đầu lần lượt là: Vietcombank, Vietinbank, VPBank, Techcombank và MB. Theo đó, kết quả kinh doanh của các ngân hàng này đều khá tích cực trong năm qua.

Kết quả kinh doanh lạc quan nhưng bắt đầu giảm tốc về cuối năm

Bảng so sánh các ngân hàng tại Việt Nam, xếp theo giá trị vốn hoá (Nguồn: VNDIRECT)

Theo đó, giá trị vốn hoá của Vietcombank ước khoảng 16 tỷ USD, Vietinbank là 5,5 tỷ USD, VPBank là 5,2 tỷ USD, Techcombank là 3,9 tỷ đồng và MB là 3,4 tỷ đồng.

Tính đến hết 9 tháng năm 2022, dư nợ cho vay của Vietcombank tăng 17,6% so với đầu năm và tăng 20,7% so với cùng kỳ, đưa ngân hàng vào top 3 ngân hàng có tăng trưởng cao nhất. Tương tự, dư nợ cho vay của Vietinbank tăng 10,1% so với đầu năm và tăng 14,8% do việc cho vay Bán lẻ và Khách hàng DN vừa và nhỏ (SME) tăng mạnh. 

Tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) của Vietcombank trong quý III/2022 đạt 3,4%, tăng 16 điểm cơ bản so với cùng kỳ. Với Vietinbank, NIM giảm xuống mức 3,1%. Còn với VPBank, NIM đã giảm xuống mức 7,4% trong quý III/2022. Chỉ số này được dự báo sẽ đạt 4,8% trong năm 2022, thấp hơn so với mức 5,1% của năm 2021. Bên cạnh đó, NIM của Techcombank đã giảm xuống 5,6% trong quý III/2022 do thay đổi cơ cấu tài sản sinh lời với tỷ lệ TPDN giảm, đồng thời, tỷ lệ chi phí huy động vốn (COF) cao hơn do môi trường lãi suất thấp đã kết thúc trong nửa cuối năm 2022. NIM của MB đạt ngưỡng 5,8%, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) cuối quý III/2022 của Vietcombank là 402% vào cuối quý III/2022, cao nhất trong toàn hệ thống. Cùng thời điểm trên, LLR của Vietinbank ghi nhận 222% do ngân hàng này đã trích lập dự phòng 8.300 tỷ trong quý III/2022, chi phí này đã tăng 50% so với cùng kỳ. VPBank ghi nhận LLR 62% tại thời điểm cuối quý III, và tỷ lệ này được dự báo sẽ đạt 65% vào cuối 2022 do ngân hàng này có thể tăng cường trích lập dự phòng trong quý IV. Với MB, LLR giảm về 207,7% cuối quý III/2022 từ mức 221,4% cuối quý II/2022 và 268% cuối quý IV/2021.

Về thu nhập lãi thuần, VNDIRECT dự phóng Vietcombank sẽ đạt 49.711 tỷ đồng trong năm 2022, tăng 17,2% so với năm 2021. Tương tự, 4 ngân hàng còn lại đều được dự phóng sẽ có mức tăng trưởng thu nhập lãi thuần nhẹ so với năm 2021. Dự kiến, Vietinbank sẽ thu về 47.439 tỷ đồng (tăng 13,5% so với năm trước), VPBank là 41.928 tỷ đồng (tăng 22,1%), Techcombank là 31.232 tỷ đồng (tăng 17%) và MB là 34.014 tỷ đồng (
tăng 29,9%). Như vậy, thu nhập lãi thuần của các ngân hàng được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại trong 2022. 

Còn dự phóng về lợi nhuận ròng cả năm 2022, VNDIRECT cho rằng Vietcombank sẽ thu về lãi ròng 25.432 tỷ đồng, tăng 15,9% so với 2021, cao nhất trong nhóm 5 ngân hàng vốn hóa lớn toàn thị trường tính đến cuối năm 2022. Ngoài ra, nhóm phân tích dự phóng lãi ròng của Vietinbank sẽ đạt 16.640 tỷ đồng (tăng 17,1% so với năm trước), VPBank đạt 20.831 (tăng 81,5%), Techcombank đạt 22.808 tỷ đồng (tăng 23,9%) và MB đạt 17.947 tỷ đồng (tăng 35,7%).

 

Nhận định về bức tranh toàn cảnh ngành ngân hàng nói chung, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng cũng giống như nhóm 5 ngân hàng kể trên, hầu hết các ngân hàng thương mại (NHTM) đều gặp tình cảnh doanh thu và lợi nhuận bị chững lại kể từ quý IV/2022. Nguyên nhân là các ngân hàng có thời điểm room tín dụng, dẫn đến không thể mở rộng được doanh thu. Đồng thời, lãi suất huy động lại cao trong khi nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn, do đó, các ngân hàng cũng không thể tăng lãi suất cho vay và dẫn đến việc lợi nhuận ròng bị giảm. Ngoài ra, do ngân hàng phải chịu ảnh hưởng từ việc các doanh nghiệp gặp khó khăn, vậy nên một loạt các hoạt động khác, bao gồm dịch vụ tài chính đều gặp trở ngại. 

Đánh giá về tình hình toàn ngành năm vừa qua, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định cuộc đua lãi suất huy động về cuối năm là điểm đáng chú ý.  Mặc dù Việt Nam đã làm tốt việc kiểm soát lạm phát và tỷ giá hối đoái, nhưng lãi suất vẫn còn ở mức khá cao. Cụ thể, lãi suất huy động đã tăng khoảng 3-4%. So sánh với Mỹ, ông cho biết, dù lạm phát tại Mỹ lên tới 8-9% nhưng lại suất chỉ khoảng 3,5-4%.

“Việc để cho lãi suất tăng lên như vậy là không đáng có. Lãi suất cao đã dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp bị bóp nghẹt thanh khoản, đây là một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế quý IV/2022 của Việt Nam trở thành con số thấp nhất trong số các quý IV trong 10 năm trở lại đây. Tình trạng tăng trưởng giảm tốc như vậy có thể còn tiếp tục kéo dài trong quý I và quý II/2023”, TS. Lê Xuân Nghĩa chia sẻ. 

Có thể bạn quan tâm