Trong 13 doanh nghiệp BĐS báo lãi trên nghìn tỷ trong năm 2022, có 6 doanh nghiệp khu công nghiệp và 7 doanh nghiệp địa ốc, trong đó Sài Gòn VRG và IDICO trở lại đường đua lãi lớn.
Thống kê sơ bộ các doanh nghiệp bất động sản đại chúng đã công bố báo cáo tài chính quý IV/2022 cho thấy, có 13 doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2022 trên nghìn tỷ đồng, trong đó 7/13 doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng, 5/13 doanh nghiệp có doanh thu thuần và lãi sau thuế đi lùi so với cùng kỳ.
Đứng đầu danh sách lãi lớn vẫn là các doanh nghiệp họ “Vin” với Vinhomes (VHM) ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 29.001 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp cho biết, hoạt động bán hàng năm 2022 đã hồi phục mạnh mẽ sau hai năm chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, với giá trị hợp đồng ký mới trong năm (doanh số) đạt mức kỉ lục 128.200 tỷ đồng, tăng 62% so với năm 2021.
Giá trị hợp đồng đặt trước vào cuối năm 2022 là 107.600 tỷ đồng, tăng 105% so với cùng kỳ. Do đó, Vinhomes đã vượt mục tiêu giá trị hợp đồng cả năm là 120.000 tỷ đồng.
VớiVingroup (VIC), kết quả kinh doanh khởi sắc nhờ tốc độ bàn giao các căn bất động sản thấp tầng tại dự án Vinhomes Ocean Park 2 – The Empire, trong khi các lĩnh vực cho thuê bất động sản đầu tư (chủ yếu là kinh doanh trung tâm thương mại), dịch vụ khách sạn, du lịch, vui chơi giải trí, y tế và giáo dục đều ghi nhận sự tăng trưởng tốt. Do đó, năm 2022 công ty báo lãi sau thuế 1.981 tỷ đồng thay vì báo lỗ như năm trước đó.
Vincom Retail (VRE) ghi nhận 7.309 tỷ đồng tổng doanh thu, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Lãi sau thuế đạt 2.735 tỷ đồng, tăng 108% so với năm 2021 và đạt 114% kế hoạch cả năm. Năm 2022, Vincom Retail mở mới 3 TTTM gồm Vincom Mega Mall Smart City, Vincom Plaza Mỹ Tho, Vincom Plaza Trần Huỳnh, Bạc Liêu, nâng tổng số TTTM của doanh nghiệp lên 83, hiện diện tại 44 tỉnh, thành phố.
Năm 2022, hai doanh nghiệp Sài Gòn VRG (SIP) và IDICO (IDC) quay trở lại nhóm lãi nghìn tỷ. Với IDICO, doanh thu thuần và lãi thuần tăng 92% và 333% so với cùng kỳ, trong đó, mảng dịch vụ khu công nghiệp đã vượt mảng kinh doanh điện dẫn đầu trong cơ cấu doanh thu thuần.
Riêng quý IV, công ty rà soát điều chỉnh giá vốn cho phù hợp với doanh thu ghi nhận một lần tại các dự án khu công nghiệp Phú Mỹ 2, Phú Mỹ 2 mở rộng và Hựu Thạnh, do đó lãi sau thuế quý IV/2022 đạt 231 tỷ đồng, tăng so với con số 35,8 tỷ đồng cùng kỳ năm 2021. Kết quả, doanh nghiệp đã vượt mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm 38%.
Về phần Sài Gòn VRG, lợi nhuận gộp đạt 902 tỷ đồng, tăng 17%. Công ty có khoản doanh thu tài chính cùng phần lãi từ công ty liên doanh, liên kết tăng so với cùng kỳ, do đó, lợi nhuận sau thuế của Sài Gòn VRG tăng 10%, đạt gần 1.002 tỷ đồng.
Kinh Bắc (KBC), Sonadezi (SNZ), Becamex IDC (BCM) và Hà Đô (HDG) là các doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng doanh thu ngược chiều lợi nhuận. Cụ thể, doanh thu thuần năm 2022 của Kinh Bắc đạt 957 tỷ đồng, giảm 77% so với năm trước. Trong đó, nguồn thu chính từ cho thuê đất và cơ sở hạ tầng giảm 78% còn 665 tỷ đồng. Công ty cũng ghi nhận thêm khoản giảm trừ doanh thu hơn 447 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Doanh thu tài chính đạt 338 tỷ đồng, khoản lãi trong công ty liên doanh, liên kết đạt 2.199 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ tăng lãi tiền gửi, cho vay và hạch toán khoản lãi mua rẻ từ thương vụ nhận chuyển nhượng cổ phần CTCP Đầu tư Sài Gòn – Đà Nẵng (SDN) trong quý III/2022. Qua đó, lãi sau thuế năm 2022 của Kinh Bắc tăng 18%, đạt 1.596 tỷ đồng.
Với Becamex IDC, doanh thu thuần và lợi nhuận thuần của công ty lần lượt giảm 7% và 21% so với năm trước, đạt 6.507 tỷ đồng và 1.796 tỷ đồng. Nhờ lợi nhuận khác đạt gần 81 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 472 tỷ đồng, lãi sau thuế tăng 15% so với năm 2021, đạt 1.724 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp đã thực hiện được 60% mục tiêu lợi nhuận năm.
Còn Hà Đô ghi nhận doanh thu thuần giảm 4%, đạt 3.642 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.620 tỷ đồng, thấp hơn 23 tỷ đồng so với cùng kỳ. Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành thấp hơn kéo lợi nhuận sau thuế tăng 3%, đạt 1.378 tỷ đồng.
Ngược lại, doanh thu thuần của Sonadezi tăng 2% so với cùng kỳ, gần 5.294 tỷ đồng. Song, giá vốn cùng các chi phí tăng kéo lợi nhuận sau thuế giảm 30%, đạt 1.047 tỷ đồng, tương đương thực hiện được 98% kế hoạch lợi nhuận đã đề ra.
Về Viglacera (VGC), doanh thu thuần tăng 30% so với cùng kỳ, đạt 14.594 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu mảng dịch vụ cho thuê bất động sản, hạ tầng khu công nghiệp đạt 3.338 tỷ đồng, tăng 31%, các mảng khác liên quan bất động sản như bán hàng hóa bất động sản và dịch vụ quản lý, vận hàng các khu công nghiệp, khu đô thị, chung cư đều tăng so với cùng kỳ.
Lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt đạt 2.321 tỷ đồng và 1.931 tỷ đồng, tăng 51% so với năm 2021. Trong đó, theo Viglacera, lợi nhuận trước thuế mảng kinh doanh bất động sản tăng 57% so với thực hiện năm 2021, đạt 1.622 tỷ đồng và vượt 33% kế hoạch năm. Năm 2022, công ty đạt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2022 là 1.700 tỷ đồng. Như vậy, công ty đã vượt 36,5% chỉ tiêu đề ra.
Ba doanh nghiệp khác là Novaland (NVL), Khang Điền (KDH) và Phát Đạt (PDR) đều có kết quả doanh thu thuần và lợi nhuận giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu thuần của Novaland ghi nhận 11.135 tỷ đồng, giảm 25% do giảm doanh thu chuyển nhượng bất động sản, đạt 9.205 tỷ đồng.
Trong năm, công ty cũng có doanh thu 5.012 tỷ đồng từ hoạt động tài chính, tăng 38% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ tăng lãi từ hợp đồng hợp tác đầu tư và lãi thoái vốn công ty con, công ty liên kết, gồm nhóm công ty Hạ tầng Sài Gòn, Khánh An, Carava Resort và CTCP Nova SQN.
Bên cạnh đó, lãi từ giao dịch mua rẻ khi đầu tư vào Công ty TNHH Bất động sản Đà Lạt Valley và Công ty TNHH Đầu tư Trúc Quỳnh là 1.270 tỷ đồng, đóng góp vào khoản thu nhập khác trong năm 2022 của doanh nghiệp.
Sau khi trừ các khoản chi phí, Novaland báo lãi sau thuế 2.293 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 35% chỉ tiêu đề ra.
Đối với Phát Đạt, doanh thu thuần giảm 58%, đạt 1.505 tỷ đồng, một phần do trong quý IV, công ty không ghi nhận doanh thu từ chuyển nhượng đất (nguồn thu chính cùng kỳ) và doanh thu từ chuyển nhượng hàng hóa bất động sản như cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của Phát Đạt giảm 37%, đạt 1.170 tỷ đồng, tương đương 40% mục tiêu lợi nhuận năm.
Cả năm 2022, doanh thu thuần và lãi sau thuế của Khang Điền lần lượt đạt 2.912 tỷ đồng và 1.081 tỷ đồng, giảm 22% và 10% so với năm 2021. So sánh với kế hoạch kinh doanh mà công ty đề ra là doanh thu thuần 4.000 tỷ đồng, lãi sau thuế 1.400 tỷ đồng, như vậy, công ty đã hoàn thành lần lượt 72,8% và 77,2% chỉ tiêu.