Trang chủ Đầu tưChứng khoán Những yếu tố có thể tác động thị trường chứng khoán tuần giao dịch từ 6 – 10/3

Những yếu tố có thể tác động thị trường chứng khoán tuần giao dịch từ 6 – 10/3

bởi Linh

Thị trường chứng khoán tiếp tục giảm điểm trong tuần qua với thanh khoản cũng có sự suy giảm, cho thấy nhà đầu tư vẫn có tâm lý lo ngại những rủi ro.

Những yếu tố có thể tác động thị trường chứng khoán tuần giao dịch từ 6 – 10/3

Giới phân tích cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ đón nhận một số thông tin tích cực trong tuần tới. Ảnh minh họa: TTXVN

Giới phân tích cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ đón nhận một số thông tin tích cực trong tuần tới, nhưng về tổng thể, tình hình vĩ mô trong thời gian tới vẫn là một ẩn số khó dự đoán.

Rủi ro và cơ hội đan xen

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), với góc nhìn trung – dài hạn, thị trường chưa thể tạo uptrend (xu hướng tăng giá tổng thể của thị trường chứng khoán) trong thời gian ngắn sắp tới, VN-Index cần một khoảng thời gian tích lũy, khối lượng giao dịch cạn kiệt tương đối dài, sau khi hình thành đáy để có thể tạo uptrend mới.

Mặt khác giai đoạn hiện tại tình hình vĩ mô trong thời gian tới vẫn là một ẩn số khó dự đoán, đặc biệt là ở thị trường tín dụng, trái phiếu cũng như nguy cơ kinh tế toàn cầu suy thoái và cuộc chiến Nga – Ukraine tiếp tục leo thang.

Xét tổng thể thì mặt bằng giá cổ phiếu hiện tại đang khá hấp dẫn cho đầu tư trung – dài hạn, mặt khác đang có nhiều dòng cổ phiếu chủ chốt vẫn đang vận động tích cực và không rơi vào xu hướng downtrend (xu hướng tổng thể khi giá giảm) như dòng cổ phiếu ngân hàng hay công nghệ…. nên có thể kỳ vọng khả năng phân hóa của các dòng cổ phiếu và cơ hội giải ngân vẫn sẽ xuất hiện trong giai đoạn hiện tại.

Tuy nhiên, thị trường trong ngắn hạn đang không có nhiều cơ hội giải ngân khi kịch bản tích cực vẫn chỉ là kỳ vọng tích lũy với thanh khoản cạn kiệt.

Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cho biết, trong tuần giao dịch tới, thị trường tài chính toàn cầu có thể hướng sự chú ý đến kỳ họp Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc của Trung Quốc (Nhân Đại, tức Quốc hội Trung Quốc khóa XIV). Đây là kỳ họp Quốc hội đầu tiên của nền kinh tế số 2 thế giới sau khi Trung Quốc chính thức dỡ bỏ chính sách “Zero-COVID”. Các nhà quan sát quốc tế nhận định trong kỳ họp này, Trung Quốc sẽ kiện toàn bộ máy lãnh đạo đất nước và đưa ra các mục tiêu tăng trưởng mới cho giai đoạn hậu COVID-19.

Thị trường đang kỳ vọng Chính phủ Trung Quốc sẽ chuyển hướng chính sách sang hỗ trợ nhiều hơn cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới và các quyết định của giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ có tác động không nhỏ tới “bức tranh” tăng trưởng kinh tế toàn cầu và thị trường tài chính quốc tế.

Nhà đầu tư nên lưu ý tới các nhóm ngành được kỳ vọng hưởng lợi khi Trung Quốc mở cửa và kích thích tăng trưởng, như các nhóm ngành xuất khẩu cao su, thủy sản, xi măng, thép, dệt may; nhóm hàng không và du lịch, VNDIRECT khuyến nghị.

Trong khi đó, theo Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS), các số liệu về tình hình kinh tế – xã hội trong tháng 2 tiếp tục cho thấy một số khó khăn đối với khu vực sản xuất. Hoạt động xuất nhập khẩu đồng thời suy giảm do nhu cầu thế giới dự báo giảm.

Tuy vậy, điểm sáng đến từ việc Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) về sản xuất đã tăng trở lại đạt 51,2 điểm trong tháng 2 sau chuỗi ba tháng liên tục dưới 50 điểm. Cùng đó, mặt bằng lãi suất đã có dấu hiệu hạ nhiệt, với mức giảm 20 – 50 điểm tùy từng kỳ hạn. Đây là diễn biến được chờ đợi nhằm cải thiện khả năng tiếp cận vốn với doanh nghiệp và người dân.

Về diễn biến thị trường, kết thúc tuần giao dịch (từ 27/2 – 3/3), VN-Index giảm 14,79 điểm xuống 1.024,77 điểm, HNX-Index giảm 2,43 điểm xuống 204,89 điểm.

Giá trị giao dịch trên HOSE giảm 31,5% so với tuần giao dịch trước đó xuống 37.622 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 29,9% xuống 2.275 triệu cổ phiếu.

Giá trị giao dịch trên HNX giảm 35,7% xuống 4.360 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 32,3% xuống 291 triệu cổ phiếu.

Theo SHS, thị trường điều chỉnh trong tuần qua khiến cho gần như toàn bộ các nhóm ngành chính đều có sự suy giảm.

Nhóm cổ phiếu ngành bán lẻ giảm mạnh nhất với 5,87% giá trị vốn hóa, do sự sụt giảm từ các trụ cột tiêu biểu trong ngành như MWG giảm 6,4%, FRT giảm 4,4%…

Tiếp theo là nhóm cổ phiếu thực phẩm và đồ uống với mức giảm 2,71% giá trị vốn hóa. Các đại diện tiêu biểu trong ngành có thể kể đến như MSN giảm 11,5%, SAB giảm 0,5%…

Giảm mạnh thứ ba là cổ phiếu ngành công nghệ thông tin với mức giảm 2,64% giá trị vốn hóa, chủ yếu do sự suy yếu của trụ cột trong ngành là FPT giảm 2,8%.

Các nhóm cổ phiếu thuộc những ngành còn lại đều ghi nhận mức giảm nhưng nhẹ nhàng hơn, lần lượt là nhóm cổ phiếu ngành dịch vụ tài chính giảm 2,55% giá trị vốn hóa, bất động sản giảm 1,75%, hàng cá nhân và gia dụng giảm 1,68%, hóa chất giảm 1,5%…

Ở chiều ngược lại, có hai nhóm cổ phiếu vẫn giữ được mức tăng trong tuần qua là dầu khí tăng 3,13%, nhờ các cổ phiếu như PVD tăng 4,1%, PVS tăng 3,1%, PVC tăng 2,6%, PVB tăng 1,4%… Cổ phiếu ngành du lịch và giải trí cũng tăng nhẹ 0,28% giá trị vốn hóa.

Khối ngoại tiếp tục bán ròng trên hai sàn trong tuần qua, với giá trị ròng đạt 1.181,23 tỷ đồng. Xét theo khối lượng ròng, DXG là mã chứng khoán bị bán ròng nhiều nhất với 13 triệu cổ phiếu. Tiếp theo là SSI và HPG với lần lượt 8,8 và 8,2 triệu cổ phiếu. Ở chiều ngược lại, POW là mã chứng khoán được mua ròng nhiều nhất với 4,9 triệu cổ phiếu.

SHS cho biết, trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 3/2023 đang thấp hơn chỉ số cơ sở VN30 với mức chênh lệch 8,15 điểm. Điều này cho thấy các nhà giao dịch vẫn đang khá tiêu cực về triển vọng thị trường trong ngắn hạn.

Chứng khoán
thế giới đi lên

Chứng khoán
 thế giới đi lên

Hoạt động tại sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Thị trường chứng khoán Việt Nam giảm trong bối cảnh các thị trường chứng khoán trên thế giới diễn biến tích cực.

Thị trường chứng khoán Phố Wall phục hồi trong tuần qua nhờ các số liệu kinh tế tích cực của Mỹ và Trung Quốc.

Tính chung cả tuần, Dow Jones tăng 1,75%, chấm dứt chuỗi 4 tuần giảm liên tục. S&P 500 tăng 1,9%, đánh dấu tuần tăng đầu tiên trong 4 tuần trở lại đây và chỉ số Nasdaq tăng 2,58%.

David Carter, giám đốc điều hành của ngân hàng đầu tư JPMorgan cho rằng, diễn biến thị trường vẫn xoay quanh lộ trình lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và cách mà chính sách tiền tệ thắt chặt có thể hạ nhiệt nền kinh tế một cách “nhẹ nhàng”.

Nhìn chung, các thị trường đang nghiêng về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục kế hoạch tăng lãi suất để hạ nhiệt lạm phát nhanh hơn, trong khi sức khỏe kinh tế và thị trường lao động vẫn vững vàng.

Thị trường chứng khoán châu Á tăng điểm trong phiên giao dịch chiều cuối tuần qua (3/3) theo đà tăng của Phố Wall trước đó.

Chốt phiên này, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 1,6% lên 27.927,47 điểm. Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 0,7% lên 20.567,54 điểm, chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải tăng 0,5% lên 3.328,39 điểm.

Thị trường chứng khoán Ấn Độ, Australia, Hàn Quốc, Singapore và Philippines cũng tăng điểm…

Có thể bạn quan tâm