Ngày 14/2, CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam (mã: BAF) đã công bố nghị quyết HĐQT về việc thông qua nhận chuyển nhượng 99,9% cổ phần tại CTCP Tây An Khánh – một doanh nghiệp thành lập chưa đầy 2 năm trong lĩnh vực chăn nuôi lợn.
Theo tìm hiểu, CTCP Tây An Khánh có địa chỉ tại thị trấn Tân Biên, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, thành lập ngày 12/5/2021 và hoạt động chính là chăn nuôi lợn.
Đại diện pháp luật của Tây An Khánh là ông Nguyễn Cửu Long, sinh năm 1970. Ông Nguyễn Cửu Long còn là đại diện pháp luật của CTCP Đầu tư và Xuất nhập khẩu Long Hưng, CTCP Hữu cơ Ninh Bình, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Đầu tư Khánh An, Công ty TNHH An Tây Ninh và CTCP Long Hưng – Như Xuân.
Theo nghị quyết, bà Bùi Hương Giang – Tổng Giám đốc BAF sẽ quyết định toàn bộ các vấn đề và chủ động thực hiện các công việc cần thiết để BAF sở hữu đến 99,9% vốn điều lệ của Công ty Tây An Khánh, bao gồm nhưng không giới hạn như: thương thảo; quyết định cách thức nhận chuyển nhượng, nội dung của các Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần; tiến độ nhận chuyển nhượng; giá chuyển nhượng, tiến độ thanh toán và toàn bộ các vấn đề có liên quan; ký các Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, các phụ lục, văn bản, tài liệu khác và triển khai thực hiện giao dịch nêu trên.
Đồng thời, bà Giang cũng là người đại diện quản lý toàn bộ số cổ phần của BAF tại Công ty Tây An Khánh.
Trong một phát biểu cuối năm 2022, ông Trương Sỹ Bá – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nông nghiệp BAF cho biết sẽ có những điều chỉnh phù hợp với bối cảnh thị trường mới để tối ưu nguồn lực. Trong đó, công ty tập trung vào việc mở rộng quy mô, kế hoạch tăng đàn, phát triển thương hiệu thịt sạch heo ăn chay BAF Meat và đặc biệt là mục tiêu dài hạn 6 triệu heo thịt thương phẩm đến năm 2030.
Cùng với chiến lược đó, thời gian qua, BAF tích cực mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư.
Ngày 20/12/2022, BAF đã khởi công trang trại chăn nuôi công nghệ cao tại huyện Tân Châu (Tây Ninh). Trang trại rộng gần 15.000 m2; quy mô 5.000 heo nái, sản xuất 150.000 heo thịt/năm. Đáng chú ý, sự kiện này diễn ra chỉ sau 3 tháng kể từ thời điểm BAF khởi công cụm 4 trang trại công nghệ cao Hải Đăng cũng tại Tây Ninh vào tháng 9/2022.
Theo đó, BAF đã nâng tổng số trang trại chỉ tính riêng tại Tây Ninh lên 12 trang trại, đưa địa phương Đông Nam Bộ trở thành “thủ phủ” của công ty về số lượng, quy mô trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao; bên cạnh các trang trại khác tại Vĩnh Phúc, Phú Yên, Nghệ An, Bình Thuận, Đăk Lăk, Kon Tum, Bình Dương, Bình Phước…
Xét về tình hình kinh doanh, trong năm 2022, ngành chăn nuôi nói chung và BAF nói riêng đối mặt nhiều khó khăn liên quan đến dịch bệnh, ảnh hưởng bởi đứt gãy chuỗi cung ứng nguồn nguyên liệu đầu vào và các tác động từ vĩ mô, dẫn đến những hệ lụy trực tiếp đến kết quả kinh doanh của Công ty khi giá nguyên vật liệu tăng cao và giá heo hơi đầu ra liên tục giảm.
Luỹ kế cả năm 2022, BAF thu về hơn 7.047 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 32% so với năm trước. Hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp vẫn mang lại nguồn thu lớn nhất với doanh thu bán nông sản chiếm 5.731 tỷ đồng (dù giảm 40% so với năm 2021); hoạt động chăn nuôi mang về hơn 1.316 tỷ đồng (tăng 72%); cung cấp dịch vụ mang về 1,8 tỷ đồng. Lãi sau thuế cả năm đạt 292 tỷ đồng, giảm 9% so với năm 2021.