Trang chủ Doanh nghiệp Nông nghiệp BAF: Lãi giảm hàng chục lần trong quý IV/2022, thoát lỗ nhờ thanh lý tài sản

Nông nghiệp BAF: Lãi giảm hàng chục lần trong quý IV/2022, thoát lỗ nhờ thanh lý tài sản

bởi Linh

Giá bán heo đầu ra giảm, trong khi giá thành nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh nên dù doanh thu tăng tới hơn 60% nhưng lãi ròng quý IV/2022 của CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (mã: BAF) vẫn giảm mạnh 91% so với năm trước. Doanh nghiệp thoát lỗ nhờ thanh lý và nhượng bán tài sản cố định.

 Trong kỳ, ngành chăn nuôi đối mặt nhiều khó khăn liên quan đến dịch bệnh, ảnh hưởng bởi đứt gãy chuỗi cung ứng nguồn nguyên liệu đầu vào và các tác động từ vĩ mô, dẫn đến những hệ lụy trực tiếp đến kết quả kinh doanh của Công ty khi giá nguyên vật liệu tăng cao và giá heo hơi đầu ra liên tục giảm. 

Theo đó, doanh thu thuần quý IV/2022 của BAF ghi nhận 2.158 tỷ đồng, tăng hơn 60% so với quý IV/2021. Tuy nhiên, giá vốn cũng tăng mạnh 75% kéo lãi gộp giảm còn 62 tỷ đồng. Biên lãi gộp giảm còn 2,9% từ mức 10% cùng kỳ năm 2021. 

Cùng đó, chi phí bán hàng cũng tăng hơn 3 lần lên 22 tỷ, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 31% lên 19 tỷ. Riêng chi phí tài chính giảm nhẹ xuống 25,4 tỷ đồng. 

Kết thúc quý IV/2022, Công ty lỗ hoạt động kinh doanh chính hơn 6 tỷ đồng, nhưng nhờ lãi từ hoạt động khác (thanh lý, nhượng bán tài sản cố định) 18 tỷ đồng, Công ty lãi ròng gần 7 tỷ đồng, giảm mạnh hơn 11 lần so với quý IV/2021. 

Luỹ kế cả năm 2022, BAF thu về hơn 7.047 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 32% so với năm trước. Hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp vẫn mang lại nguồn thu lớn nhất với doanh thu bán nông sản chiếm 5.731 tỷ đồng (dù giảm 40% so với năm 2021); hoạt động chăn nuôi mang về hơn 1.316 tỷ đồng (tăng 72%); cung cấp dịch vụ mang về 1,8 tỷ đồng.

BAF báo lãi ròng cả năm đạt 292 tỷ đồng, giảm 9% so với năm 2021.

 

Bức tranh kinh doanh giảm tốc của BAF đã được phản ánh phần nào trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Dòng tiền thuần kinh doanh chuyển âm 204 tỷ đồng từ mức dương 207 tỷ đồng trong 2021. Dòng tiền đầu tư âm 768 tỷ đồng do BAF chi mua sắm, xây dựng tài sản cố định và các tài sản dài hạn, thêm vào đó là 140 tỷ đồng phát sinh cho vay, mua các công cụ nợ của đơn vị khác. Bù lại, dòng tiền tài chính đạt 793 tỷ đồng do sự tăng mạnh tiền thu đi vay. Kết quả, dòng tiền chung vẫn âm gần 180 tỷ đồng.

Về cơ cấu tài chính, tổng tài sản tính đến 31/12/2022 của BAF là hơn 4.908 tỷ đồng, giảm 10% so với đầu năm. Tiền và các khoản tương đương tiền giảm còn 111 tỷ đồng trong bối cảnh dòng tiền chung của doanh nghiệp âm, ngoài ra BAF có khoản gửi ngân hàng ngắn hạn 140 tỷ đồng với lãi suất 5,1%-6%/năm. Hàng tồn kho còn 875 tỷ đồng, giảm 19%.

Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả giảm 21% xuống 3.160 tỷ đồng. Vay và nợ thuê tài chính cả ngắn hạn và dài hạn 955 tỷ đồng, bao gồm 667 tỷ đồng vay các ngân hàng thương mại và 288 tỷ đồng trái phiếu thường dài hạn. 

Vốn chủ sở hữu đến 31/12/2022 tăng 20%, lên hơn 1.748 tỷ đồng. Trong năm 2022, vốn góp của chủ sở hữu tăng thêm hơn 655 tỷ đồng. CTCP Shiba Holdings trở thành cổ đông lớn của Công ty với tỷ lệ nắm giữ 39,26%.  Ông Trương Sỹ Bá – Chủ tịch HĐQT BAF và cũng đang giữ chức Chủ tịch HĐQT tại Siba Holdings.

Mới đây, ngày 12/1, Siba Holdings thông báo đã mua vào thành công 4,53 triệu trên 4,55 triệu cổ phiếu BAF đăng ký. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của Siba Holdings tại BAF nâng lên mức 40,7% vốn điều lệ, tương ứng 58,46 triệu cổ phần. 

 

Trong báo cáo ngành nông nghiệp cuối năm 2022, chứng khoán VnDirect nhìn nhận khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất thịt sẽ giảm bớt trong năm 2023 nhờ việc giá lợn được kỳ vọng tăng 5%, với một số yếu tố hỗ trợ như: Nhu cầu ăn uống bên ngoài phục hồi; và thiếu hụt nguồn cung khi hộ chăn nuôi vẫn ngần ngại trong việc tái đàn do giá heo giảm trong thời gian gần đây trong khi giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao. Hiện nay, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm khoảng 60% tổng nguồn cung thịt lợn tại Việt Nam.

Mặt khác, giá hàng hóa có khả năng giảm trong 2023 do lo ngại ban đầu về tình trạng thiếu lương thực do xung đột đã lắng xuống khi các nước xuất khẩu khác tăng nguồn cung; ngũ cốc của Ukraine đã được vận chuyển trở lại sau thỏa thuận chấm dứt việc phong tỏa các cảng của nước này; và giá phân bón hạ nhiệt, góp phần thúc đẩy sản lượng thu hoạch nhờ tăng năng suất cây trồng.

Theo quan điểm của VnDirect, giá thức ăn chăn nuôi trong nước có độ trễ hơn so với giá nông sản thế giới. Vì vậy, VnDirect cho rằng chi phí thức ăn chăn nuôi sẽ giảm dần vào năm 2023.

Có thể bạn quan tâm