Ông Ben Harris, Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ ngày 16/2, cho rằng quyết định cắt giảm sản lượng dầu thô 500.000 thùng/ngày của Nga phản ánh việc nước này không thể bán hết sản lượng dầu.
Tuần trước, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết nước này sẽ tự nguyện cắt giảm sản lượng từ tháng tới sau khi phương Tây bắt đầu áp giá trần đối với dầu và các sản phẩm dầu của Nga từ ngày 5/2. Động thái cắt giảm khoảng 5% sản lượng tạm thời đẩy giá nhiên liệu toàn cầu tăng cao hơn.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh dầu thô Argus Americas, ông Harris cho biết Nga cắt giảm sản lượng vì họ không thể bán.
Việc cắt giảm sản lượng của Nga diễn ra sau các lệnh cấm vận và trừng phạt, với việc các nước phương Tây áp mức giá trần đối với dầu thô là 60 USD/thùng. Ba Lan, Latvia, Litva và Estonia đã thúc đẩy việc hạ trần giá dầu thô.
Theo dữ liệu của Bộ Tài chính, thu ngân sách hàng tháng từ dầu khí của Nga đã giảm 46% trong tháng Một xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8/2020 do tác động của các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với hoạt động xuất khẩu dầu của nước này.
Ông Harris cho biết, mức giá trần nhằm duy trì sự ổn định cho thị trường và giảm doanh thu của Nga. Theo ông Harris, không có công ty Mỹ nào tham gia giao dịch dầu của Nga trên giá trần.
Michael Cohen, nhà kinh tế trưởng của BP nhận định hiện nay vẫn chưa rõ liệu việc cắt giảm sản lượng của Nga có kéo dài hay không.
Hiện Nga vẫn đang bán giảm giá các thùng dầu thô cho các khách hàng Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, Goldman Sachs cho biết trong một lưu ý đầu tuần này rằng các đối tác thương mại của Nga ngày càng trả nhiều tiền hơn cho dầu thô của Nga, giúp nước này giảm bớt tác động của các biện pháp trừng phạt của phương Tây.