UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt danh mục dự án thu hồi đất năm 2023 gồm có 1.543 danh mục với tổng diện tích 7.536,91 ha.
Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Quảng Nam đã có quyết định số 24/QĐ-UBND ngày 4/1 về việc phê duyệt danh mục các dự án thu hồi đất năm 2023 trên địa bàn. Theo quyết định của UBND tỉnh Quảng Nam, dự án thu hồi đất gồm có 1.543 danh mục với tổng diện tích 7.536,91ha, gồm: 1.279 danh mục sử dụng vốn ngân sách nhà nước với tổng diện tích 3.940,62ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 693,88ha; 264 danh mục sử dụng vốn ngoài ngân sách nhà nước với tổng diện tích 3.596,29ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 603,13ha.
UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, hướng dẫn các địa phương căn cứ danh mục, diện tích được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 68/NQ-HĐND ngày 9/12/2022 và UBND tỉnh phê duyệt tại quyết định này để hoàn chỉnh hồ sơ kế hoạch sử dụng đất năm 2023 cấp huyện để thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt và triển khai thực hiện, đảm bảo theo đúng quy định của Luật Đất đai năm 2013. Bên cạnh đó, đơn vị này cũng được giao phối hợp với các Sở, Ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thu hồi đất theo đúng quy định.
Các danh mục thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất liên quan đến rừng tự nhiên thực hiện theo đúng Chỉ thị số 13/CT-TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 8/8/2017 của Chính phủ và các quy định pháp luật có liên quan.
Trước đó Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ông Hồ Quang Bửu đã ký quyết định số 1776/QĐ-UBND về việc Ban hành Chương trình Xúc tiến đầu tư năm 2022 tỉnh Quảng Nam. Theo đó, danh mục dự án ưu tiên thu hút đầu tư vào tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022-2023 gồm 36 dự án.
Cụ thể, trong lĩnh vực công nghiệp có 8 dự án gồm: Dự án đầu tư xây dựng và Kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp đô thị, Dịch vụ Nam Thăng Bình ở huyện Thăng Bình (655ha); Dự án đầu tư xây dựng và Kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Điện Bàn 1 ở thị xã Điện Bàn (750ha); Dự án đầu tư xây dựng và Kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Thăng Bình 1 ở huyện Thăng Bình (978ha).
Cùng với đó là dự án đầu tư xây dựng và Kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Đại Lộc 1 ở huyện Đại Lộc (600ha); Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Tam Anh 3 (190ha); Dự án kêu gọi đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp Tài Đa – Phần mở rộng (55ha); Dự án kinh doanh hạ tầng kỹ thuật CCN Sông Trà (50ha); Dự án Cụm công nghiệp Gò Biên (50ha).
Đặc biệt, đối với lĩnh vực đô thị có 10 dự án. Trong đó có nhiều dự án có quy mô lớn như: Khu đô thị dịch vụ cao cấp Tam Anh ở huyện Núi Thành (1.250ha); Khu đô thị, du lịch, dịch vụ ven sông, ven biển Bình Nam ở huyện Thăng Bình (550ha); Khu đô thị sinh thái ven sông Tam Kỳ ở TP. Tam Kỳ (280ha). Cạnh đó, Khu dân cư Tây Yên ở TP. Tam Kỳ (65ha); Khu đô thị An Hà Nam ở TP. Tam Kỳ (55ha); Dự án khu đô thị, thương mại du lịch Bình Minh ở huyện Thăng Bình (80ha); Dự án khu đô thị, dịch vụ kết nối du lịch cộng đồng ở huyện Núi Thành (190ha); Dự án khu đô thị, nghỉ dưỡng sinh thái Hồ Thạch Bàn ở huyện Duy Xuyên (450ha)…
Đối với lĩnh vực du lịch có 12 dự án. Trong đó có nhiều dự án lớn như: Khu bảo tồn sinh thái kết hợp du lịch sông Đầm ở TP. Tam Kỳ (621ha); Khu phức hợp du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Hồ Phú Ninh ở huyện Phú Ninh (500ha); Dự án khu thương mại dịch vụ du lịch dọc tuyến đường Tỉnh Thủy – Thượng Thanh ở TP. Tam Kỳ (96ha); Khu phức hợp du lịch, nghỉ dưỡng Tam Hải ở huyện Núi Thành (120ha); Khu phi thuế quan gắn với Khu bến cảng Tam Hòa ở huyện Núi Thành (747ha); Dự án phát triển du lịch sinh thái Suối Nước Ví ở huyện Bắc Trà My (300ha)…
Đối với lĩnh vực thương mại – dịch vụ có 3 dự án, gồm: Khu phi thuế quan gắn với sân bay Chu Lai ở huyện Núi Thành (225ha); Dự án khu phi thuế quan gắn với khu bến cảng Tam Hòa (751ha); Dự án trung tâm thương mại tổng hợp Tân Bình (0,4ha). Ngoài ra, đối với lĩnh vực nông nghiệp có 3 dự án, gồm: Dự án phát triển chăn nuôi tập trung ở huyện Bắc Trà My (200ha); Dự án bảo tồn phát triển cây quế Trà My (2.000ha); Dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Hiệp Đức (100ha).