Trang chủ Việt NamĐầu tư phát triển Quảng Ninh quy hoạch thêm nhiều huyện lên thành phố trước năm 2030

Quảng Ninh quy hoạch thêm nhiều huyện lên thành phố trước năm 2030

bởi Linh

Theo quy hoạch của tỉnh Quảng Ninh, 3 huyện Vân Đồn, Đông Triều, Quảng Yên sẽ lên thành phố trước năm 2030.

 

Tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo hồ sơ quy hoạch này, Quảng Ninh sẽ đưa nhiều huyện lên cấp thành phố, sáp nhập huyện Hải Hà vào Móng Cái và tái lập thị xã Tiên Yên. Cụ thể, đến năm 2025, tỉnh Quảng Ninh có 13 đơn vị hành chính với 13 đô thị. Trong đó, 12 đô thị vẫn giữ nguyên phân loại như hiện tại, riêng Vân Đồn sẽ được đưa từ đô thị loại IV lên loại III. Tỷ lệ đô thị hóa của Quảng Ninh giai đoạn này dự kiến đạt 70-75%.

Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh có 13 đơn vị hành chính với 4 thành phố (Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí); hai thị xã (Quảng Yên, Đông Triều) và 7 huyện (Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Ba Chẽ, Vân Đồn, Cô Tô).

Quảng Ninh quy hoạch thêm nhiều huyện lên thành phố trước năm 2030

 Huyện Vân Đồn sẽ lên thành phố trước năm 2030. Ảnh BQN.

Đến năm 2030, tỉnh sẽ còn 12 đơn vị hành chính với 13 đô thị, Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc trung ương trên cơ sở hình thành khu vực nội thành bao gồm 7 thành phố (Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái – Hải Hà, Đông Triều, Quảng Yên, Vân Đồn) và tái lập thị xã Tiên Yên.

Như vậy, giai đoạn đến năm 2030, huyện Hải Hà sẽ sáp nhập với TP Móng Cái, 3 huyện khác sẽ lên thành phố là Đông Triều, Quảng Yên và Vân Đồn.

Tỷ lệ đô thị hóa giai đoạn này tại Quảng Ninh dự kiến đạt trên 75%.

Cũng theo quy hoạch nêu trên về phát triển đô thị, Quảng Ninh sẽ chú trọng các công trình, dự án xây dựng thấp tầng, thiết kế tự nhiên, thân thiện với môi trường tại các khu du lịch ven biển.

Tỉnh sẽ mở rộng không gian phát triển đô thị của thành phố Hạ Long, lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối phát triển đô thị theo mô hình đa cực, mở rộng đô thị lên phía Bắc.

Xây dựng thành phố Móng Cái và thị trấn Quảng Hà gắn với xây dựng Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái và Khu công nghiệp dịch vụ – cảng biển Hải Hà.

Xây dựng, phát triển đô thị, kinh tế thương mại biên giới tại các khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh, Hoành Mô – Đồng Văn gắn liền với bảo đảm quốc phòng – an ninh.

Giá đất ở các huyện nằm trong quy hoạch của Quảng Ninh biến động ra sao?

Thời điểm cuối năm 2022, huyện Vân Đồn tổ chức đấu giá 53 ô đất thuộc dự án Khu dân cư thôn Ninh Hải, xã Minh Châu (Vân Đồn – Quảng Ninh). Diện tích các ô đất từ 120 đến 696,4 m2/ô. Theo đó, 53 ô đất có mức giá khởi điểm từ 16,14 đến 25,14 triệu đồng/m2; bước giá từ 60 đến 300 triệu đồng.

Trong khi đó, ngay cuối tháng 2 vừa qua, huyện Hải Hà cũng tổ chức đấu giá 40 ô đất gồm 5 ô đất tại thị trấn Quảng Hà; 5 ô đất tại xã Quảng Minh; hai ô đất tại xã Quảng Sơn; 28 ô đất tại xã Quảng Long. Diện tích các ô đất từ 100 đến 300 m2/ô với mức giá khởi điểm từ 2,87 đến 15,27 triệu đồng/m2.

Đưa Quảng Ninh trở thành một trung tâm kinh tế biển bền vững 

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 80/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Về kinh tế biển Quyết định nêu rõ, xây dựng, phát triển Quảng Ninh trở thành một trung tâm kinh tế biển bền vững của cả nước trên cơ sở phát triển du lịch – dịch vụ kết nối khu vực và quốc tế; đầu tư xây dựng hệ thống cảng biển nước sâu, các âu tàu du lịch đẳng cấp quốc tế gắn với phát triển kinh tế chuỗi khu kinh tế, khu đô thị biển – ven biển cận kề và là một trong những trung tâm logistics trọng điểm của cả nước.

Đồng thời xây dựng Quảng Ninh thành một trong những cửa ngõ trung chuyển hướng biển của khu vực; tăng khả năng liên kết không gian kinh tế ven bờ, biển và đảo, tạo động lực phát triển cho vùng Đông Bắc và cả nước.

Ưu tiên xây dựng đồng bộ và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng đa mục tiêu, nhằm bảo đảm “lợi ích kép” trong phát triển. Chuyển dần sang phát triển mạnh năng lượng tái tạo. Coi trọng hợp tác quốc tế và khu vực trong phát triển kinh tế biển bền vững và đào tạo nguồn nhân lực biển hiệu quả.

Tổ chức lại không gian phát triển kinh tế biển trên cơ sở phân vùng không gian dựa vào hệ sinh thái và theo chức năng sử dụng biển, đảo và vùng ven biển; phân bổ không gian biển, vùng ven biển và đảo cho các ngành/lĩnh vực theo nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích và giảm xung đột không gian trong khai thác, sử dụng cùng một vùng ven biển, đảo và biển, giữa các tập thể và cá nhân.

Phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ nguồn tài nguyên, môi trường sinh thái, đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo; đồng thời giữ gìn giá trị, phát huy truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa biển đặc trưng Quảng Ninh để phát triển du lịch bền vững. Phát triển và quản lý bền vững kinh tế biển của tỉnh theo phương thức quản trị biển dựa vào không gian, liên ngành với sự tham gia thực chất của các cộng đồng dân cư và doanh nghiệp.

 Duyệt Quy hoạch TP Hạ Long ‘mang tầm quốc tế’ đến năm 2040

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 72 ngày 10/2/2023 phê duyệt Quy hoạch chung thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) đến năm 2040.

Phạm vi khu vực lập quy hoạch là toàn bộ đơn vị hành chính TP Hạ Long theo Nghị quyết số 837 ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Phía Bắc
giáp huyện Ba Chẽ và huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang). Phía Nam giáp vùng biển Cát Bà – Hải Phòng; vùng biển Bái Tử Long và vịnh Bắc Bộ. Phía Đông giáp thành phố Cẩm Phả. Phía Tây giáp thị xã Quảng Yên, thành phố Uông Bí.

Quy mô lập quy hoạch khoảng 1.121,322 km2 (112.132 ha) và diện tích mặt biển khoảng 402 km2 (40.251 ha).

Theo dự báo đến năm 2040, TP Hạ Long có khoảng 800.000 – 830.000 người (trong đó: dân số thường trú 550.000 ÷ 570.000 người, dân số quy đổi khoảng 250.000 ÷ 260.000 người).

TP Hạ Long sẽ phát triển theo mô hình gồm 5 Vùng (Vùng vịnh Hạ Long, Vùng phía Đông, Vùng phía Tây, Vùng vịnh Cửa Lục và khu vực phía Bắc Vịnh Cửa Lục, Vùng đồi núi phía Bắc); 1 hành lang ven Vịnh Hạ Long và lấy Vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối.

Theo định hướng, đô thị Hạ Long phát triển gắn với bảo tồn và phát huy giá trị Vịnh Hạ Long, phát triển mở rộng không gian nội thành về phía Bắc vịnh Cửa Lục (các xã Lê Lợi, Thống Nhất, Sơn Dương, Vũ Oai), khai thác phát triển khu vực nông thôn và đồi núi phía Bắc gắn với các hoạt động dịch vụ hỗ trợ, dịch vụ sinh thái và sản xuất nông lâm nghiệp chất lượng cao.

Về du lịch, TP Hạ Long phát triển các khu du lịch vui chơi giải trí, du lịch nghỉ dưỡng, resort cao cấp, cảng tàu khách quốc tế, bến du thuyền, bến thủy nội địa hiện đại đẳng cấp quốc tế tại khu vực phía Tây và phía Bắc vịnh Cửa Lục; du lịch văn hóa tại khu vực phía Đông và vùng đồi núi phía Bắc; phát triển hệ thống các bãi tắm và dịch vụ công cộng tại các khu vực ven biển: Bãi Cháy, Hùng Thắng, Tuần Châu, Hồng Hà, Hà Phong, Yết Kiêu, Cao Xanh…. Phát triển các hoạt động dịch vụ du lịch đa dạng trên vịnh Hạ Long, vịnh Cửa Lục, hồ Yên Lập và khu bảo tồn Đồng Sơn – Kỳ Thượng.

 

 

Có thể bạn quan tâm