Theo Bộ Xây dựng, Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) bổ sung thêm các quy định về hình thức phát triển nhà ở xã hội.
Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi đang lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội; dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5/2023. Tại Phiên họp Hội đồng thẩm định Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, sau hơn 8 năm thi hành Luật Nhà ở, do các mối quan hệ kinh tế, xã hội có nhiều thay đổi nên Luật Nhà ở năm 2014 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.
Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, việc bổ sung các chính sách mới để điều chỉnh, giải quyết một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn là cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển nhà ở trong thời gian tới, đặc biệt là chính sách nhà ở xã hội nhằm đảm bảo chính sách an sinh xã hội của đất nước, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho nhân dân.
Ông Sinh cho biết, trong thời gian vừa qua, Bộ Xây dựng đã thực hiện việc triển khai xây dựng dự án Luật Nhà ở theo đúng quy định pháp luật: Xây dựng chính sách, thực hiện lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, các nhà khoa học; tổ chức nhiều hội thảo để trao, đổi lấy ý kiến và học tập kinh nghiệm quốc tế.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho hay, Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) có 13 Chương với 211 Điều. Quá trình thực hiện, Bộ Xây dựng thấy dư luận quan tâm đến vấn đề thời hạn sở hữu nhà ở chung cư, cải tạo chung cư cũ, chính sách liên quan tới phát triển nhà ở xã hội.
“Hiện nay, nhà ở thương mại cao cấp thì nhiều, nhưng nhà ở giá rẻ cho đại bộ phận cho người dân, đặc biệt là nhà ở giá rẻ cho công nhân còn ít”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nói và cho biết dự thảo Luật có thay đổi nhiều so với trước đây.
Cụ thể, dự thảo Luật bổ sung thêm các quy định về hình thức phát triển nhà ở xã hội; yêu cầu đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; xác định giá bán nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư; thời điểm thẩm định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội; trách nhiệm của Bộ Xây dựng và chính quyền địa phương.
Đặc biệt, so với Luật Nhà ở năm 2014, điểm mới trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) là bổ sung mới 2 mục quy định về chính sách phát triển nhà lưu trú công nhân và nhà ở cho lực lượng vũ trang.
Dự án nhà ở xã hội vướng nhiều thủ tục
Trả lời thắc mắc cử tri về nghiên cứu, đề xuất việc điều chỉnh các quy định của pháp luật về nhà ở nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công, Bộ Xây dựng cho biết, trong thời gian vừa qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quy định pháp luật về nhà ở xã hội.
Bộ Xây dựng đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 49 ngày 01/4/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100 ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, trong đó đã sửa đổi, bổ sung một số quy định về trình tự, thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội.
Đồng thời, ngày 16/8/2021 Bộ Xây dựng cũng ban hành Thông tư số 09 hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 100 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội và Nghị định số 49 ngày 01/4/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Trong đó, Thông tư đã dành 1 Chương quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (trong đó có nhà ở xã hội cho công nhân tại các khu công nghiệp). Các quy định này đã góp phần minh bạch hóa thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân thực hiện.
Theo Bộ Xây dựng, đến nay trên địa bàn cả nước, đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 155.800 căn, với tổng diện tích gần 7,8 triệu m2. Đang tiếp tục triển khai (bao gồm các dự án đã được chấp thuận đầu tư và đang triển khai đầu tư xây dựng) 401 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 454.360 căn, với tổng diện tích khoảng 22,7 triệu m2, giúp cho hàng trăm nghìn người thu nhập thấp, công nhân có chỗ ở.