Trang chủ Doanh nghiệp Quỹ ngoại Dragon Capital không còn là cổ đông lớn tại Gelex (GEX)

Quỹ ngoại Dragon Capital không còn là cổ đông lớn tại Gelex (GEX)

bởi Linh

Theo báo cáo gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM ngày 8/3, đại diện nhóm quỹ ngoại Dragon Capital cho biết đã bán thành công 1,75 triệu cổ phiếu GEX, qua đó không còn là cổ đông lớn tại CTCP Tập đoàn GELEX.

Theo đó, vào phiên 6/3, thông qua 2 quỹ ngoại liên quan là Amersham Industries Limited và Vietnam Enterprise Investments Limited, Dragon Capital đã bán ra 1,75 triệu cổ phiếu GEX. Trong phiên 6/3 không có giao dịch thỏa thuận nào được ghi nhận. 

Tạm lấy giá chốt phiên 6/3, tương đương 11.600 đồng/cp làm giá bán, các quỹ nêu trên ước tính đã thu về hơn 20 tỷ đồng cho giao dịch này, qua đó hạ tỷ lệ sở hữu của nhóm tại Gelex xuống còn 42,54 triệu cổ phần, tương đương 4,9965% vốn điều lệ công ty. Với việc sở hữu giảm xuống dưới 5%, Dragon Capital không còn là cổ đông lớn của GEX. Ngày không còn là cổ đông lớn được viết trong báo cáo là 8/3.

Tính từ trung tuần tháng 2 đến nay, Dragon Capital đã bán ròng hơn 9,2 triệu cổ phiếu GEX, giảm sở hữu về như hiện nay.

Trên thị trường chứng khoán, GEX đang có nhịp hồi tích cực khi tăng điểm liên tiếp trong 3 phiên gần nhất. Chốt phiên 8/3, GEX tăng 1,7% lên mức 11.900 đồng/CP, tương đương vốn hóa 10.132,8 tỷ đồng.

Quỹ ngoại Dragon Capital không còn là cổ đông lớn tại Gelex (GEX)

 Diễn biến giá cổ phiếu GEX từ tháng 7/2022 đến nay. Ảnh: TradingView

Về tình hình kinh doanh, lũy kế cả năm 2022, Gelex ghi nhận tổng doanh thu đạt 32.090 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 2.093 tỷ đồng, lần lượt tăng 12,3% và gần 2% so với thực hiện của năm 2021, tương ứng hoàn thành gần 90% kế hoạch doanh thu và 80% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022.

Cũng như đa số doanh nghiệp trên thị trường, kết quả sản xuất kinh doanh của GELEX năm 2022, nhất là những tháng cuối năm đã chịu ảnh hưởng từ biến động của kinh tế vĩ mô. Dù vẫn duy trì đà tăng trưởng nhưng một số nhóm ngành đã bị ảnh hưởng từ nhu cầu thị trường như vật liệu xây dựng và thiết bị điện.

Ngoài ra, các dự án điện gió bị ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu cũng dẫn đến sản lượng năm 2022 thấp hơn đáng kể so với mức sản lượng dự kiến.

 

Về tình hình tài chính, tính đến 31/12/2022, tổng tài sản của GELEX là 52.401 tỷ đồng, giảm 14% so với đầu năm, chủ yếu giảm tài sản ngắn hạn do GELEX chủ động giảm tích trữ hàng tồn kho, giảm phải thu ngắn hạn và giảm các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn. Lượng tiền và tương đương tiền cũng giảm 35,5%, xuống mức 3.162 tỷ đồng.

Bên phía nguồn vốn, nợ vay ngắn và dài hạn của doanh nghiệp này cũng giảm gần 24% so với đầu năm, ở mức 16.842 tỷ đồng. Gelex cho biết, tập đoàn đã chủ động giảm nợ vay trong hệ thống để giảm chi phí và áp lực tài chính, nhằm đối phó với diễn biến bất thường của thị trường tài chính.

Trong một diễn biến khác, sáng 1/3/2023, Gelex và Frasers Property Vietnam đã ký hợp tác triển khai các khu công nghiệp tại miền Bắc với tổng mức đầu tư dự kiến giai đoạn đầu khoảng 6.000 tỷ đồng, tương đương 250 triệu USD.

Đại diện Gelex cho biết, hai bên sẽ hợp tác phát triển 80 ha trong số quỹ đất công nghiệp của công ty này, dự kiến cung cấp hơn 500.000 m2 các loại hình sản phẩm như nhà xưởng xây sẵn, nhà kho xây sẵn, nhà xưởng và nhà kho xây theo yêu cầu.

Trước đó, vào ngày 20/2, Gelex đã tiến hành mua lại 104,9 tỷ đồng trong số 122 tỷ đồng trái phiếu đang lưu hành của lô BONDGEX/2020.02 và 45,4 tỷ đồng trong số 57,1 tỷ đồng đang lưu hành của lô BONDGEX/2020.01. Cả hai lô trái phiếu trên đều được phát hành vào tháng 7/2020 và dự kiến sẽ đáo hạn vào tháng 7/2023.

Đây là lần mua lại trái phiếu trước hạn thứ 7 và thứ 8 của Gelex tính từ tháng 12/2022 đến nay. Tổng giá trị trái phiếu được GEX chi trả trong quãng thời gian này là 444 tỷ đồng.

Có thể bạn quan tâm