Trang chủ Tài chínhDịch vụ tài chính Quyền TGĐ Vietbank: Thị trường TPDN, chứng khoán,… chưa phục hồi, ngân hàng sẽ có cơ hội phát triển mạnh hơn trong năm 2023

Quyền TGĐ Vietbank: Thị trường TPDN, chứng khoán,… chưa phục hồi, ngân hàng sẽ có cơ hội phát triển mạnh hơn trong năm 2023

bởi Linh

Theo lãnh đạo của Vietbank, dù trong bối cảnh kinh tế khó khăn thì ngân hàng vẫn là kênh an toàn và duy trì được tốc độ tăng trưởng dương, bởi Việt Nam được đánh giá là nền kinh tế ổn định, tăng trưởng còn đang ở dưới mức tiềm năng.

Quyền TGĐ Vietbank: Thị trường TPDN, chứng khoán,… chưa phục hồi, ngân hàng sẽ có cơ hội phát triển mạnh hơn trong năm 2023

Ông Nguyễn Hữu Trung, Quyền Tổng Giám đốc Vietbank. (Ảnh: Vietbank).

Ông Nguyễn Hữu Trung, Quyền Tổng Giám đốc Vietbank, đã có những chia sẻ với truyền thông về các yếu tố sẽ tác động tới hoạt động của ngân hàng trong năm nay.

Theo ông Trung, các dự báo hiện nay đều cho thấy, trong năm 2023 mục tiêu kiềm chế lạm phát vẫn là ưu tiên hàng đầu của các ngân hàng Trung ương trên thế giới. Fed cũng đề ra tín hiệu sẽ chỉ giảm cường độ giữa các lần tăng lãi suất, trong khi kịch bản hạ lãi suất ngay trong năm nay là không chắc chắn.

“Tôi cho rằng đây vẫn sẽ là yếu tố gây sức ép lớn nhất tới xu hướng điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam”, ông nhận định.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) luôn kiên định với mục tiêu duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát nên điều hành lãi suất nhiều khả năng sẽ tiếp tục theo hướng linh hoạt. Động thái đó là tất yếu và cũng sẽ ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của các ngân hàng. Đây là thời điểm mà các ngân hàng sẽ đi chậm lại để đồng hành hiệu quả hơn cùng với khách hàng.

Bên cạnh đó, hiện nay hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng đang gặp vấn đề do đơn đặt hàng giảm rõ rệt vì cầu của thế giới giảm, trong khi chi phí đầu vào chưa giảm tương ứng. Xu hướng này dự báo còn kéo dài tới hết nửa đầu năm 2023. Như vậy trong năm nay, các điều kiện hoạt động kinh doanh suy giảm cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của ngành ngân hàng.

Cuối cùng, những nút thắt chưa được tháo gỡ của thị trường vốn trong nước cũng sẽ tác động đáng kể tới diễn biến của lãi suất và tình hình hoạt động ngân hàng trong năm 2023.

Nhìn lại năm 2022, thanh khoản của hệ thống ngân hàng gặp khó khăn khi chênh lệch giữa tăng trưởng tín dụng và huy động ở mức cao. Có thể nói tình hình thanh khoản căng thẳng do các biến động mạnh trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản, trong khi thị trường chứng khoán chưa hoàn toàn hồi phục.

Các vấn đề này chưa được giải quyết dứt điểm trong năm 2022 và sẽ tiếp tục trở thành điểm nghẽn đối với thị trường vốn trong năm 2023. Khi các trụ cột khác trên thị trường vốn trở nên yếu ớt, nhu cầu vay vốn sẽ tiếp tục dồn lên các ngân hàng.

Vị lãnh đạo của Vietbank cũng nhận định rằng khi các trụ cột khác trên thị trường vốn chưa phục hồi thì ngân hàng sẽ càng có thêm cơ hội để tăng trưởng hoạt động mạnh mẽ hơn trong năm nay.

Nếu nhìn vào sự tăng trưởng của toàn ngành nói chung và Vietbank nói riêng trong năm 2022, có thể thấy dù trong bối cảnh kinh tế khó khăn thì ngân hàng vẫn là kênh an toàn và duy trì được tốc độ tăng trưởng dương, bởi Việt Nam được đánh giá là nền kinh tế ổn định, tăng trưởng còn đang ở dưới mức tiềm năng.

Cũng theo ông Trung, ở thời điểm hiện tại, tiền gửi tiết kiệm vẫn sẽ được nhiều người quan tâm vì đây là kênh đầu tư an toàn nhất trong bối cảnh kinh tế còn nhiều vấn đề khó dự đoán. Hiện lãi suất huy động cũng ở mức khá cao, phần lớn các ngân hàng đều có lãi suất trên 9%/năm. 

“Đối với riêng Vietbank, năm vừa rồi tăng trưởng huy động vốn của chúng tôi cao hơn mức bình quân chung của toàn ngành, trong khi lãi suất không nằm trong nhóm top đầu”, ông cho hay

Ở chiều ngược lại, ông cho rằng nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp vẫn còn rất lớn, mặc dù chi phí vốn (lãi suất) ở mức cao. Yếu tố lãi suất sẽ tác động đáng kể lên hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Chia sẻ thêm về mục tiêu kế hoạch của ngân hàng, ông Trung cho biết trong năm 2023, Vietbank sẽ tập trung vào việc nâng cao chuẩn mực hoạt động và hiệu quả quản trị điều hành; nâng cao chất lượng dịch vụ, tối ưu giá trị cho khách hàng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với cơ chế đãi ngộ nhân tài.

Cùng với đó, Vietbank sẽ chú trọng phát triển hệ khách hàng truyền thống theo định hướng bán lẻ; đồng thời ưu tiên cung ứng vốn cho các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ mà Chính phủ ưu tiên và sẵn sàng đón đầu sự phục hồi của nền kinh tế.

Trong năm 2022, mặc dù bối cảnh khó khăn chung nhưng Vietbank vẫn điều chỉnh tăng lương cho CBNV và chi thưởng theo đánh giá kết quả kinh doanh định kỳ. Có những cán bộ nhân viên của Vietbank trong năm 2022 đã được nhận trên 25 tháng lương thực lãnh. Vietbank cũng có chính sách tri ân CBNV có thâm niên gắn bó với ngân hàng trong 5,10 và 15 năm.

Trước tết Nguyên Đán vừa qua, Vietbank đã chi lương tháng
1/2023 cho toàn thể CBNV trước thời hạn 2 tuần và trong 2 tháng đầu năm 2023, Vietbank tiếp tục triển khai đánh giá để tăng lương đợt mới cho người lao động.

Có thể bạn quan tâm