Theo báo cáo tài chính quý IV/2022 CTCP Thực phẩm Sao Ta (mã: FMC) công bố mới đây, doanh nghiệp đã có dấu hiệu chậm lại trong những tháng cuối năm 2022 do lạm phát và áp lực từ thị trường. Thế nhưng luỹ kế cả năm, FMC vẫn thu về con số kỷ lục từ khi thành lập: 5.700 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh, quý IV/2022, doanh thu thuần của FMC đạt 1.211 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ 2021.
Cùng với doanh thu, giá vốn bán hàng cũng giảm 14%, từ 1.242 tỷ đồng quý IV/2021 còn 1.056 tỷ đồng quý IV/2022. Lợi nhuận gộp giảm 23%, đạt 154 tỷ đồng.
Bù lại, trong quý IV năm ngoái, doanh thu tài chính tăng mạnh 117% so với cùng kỳ, lên 36 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn thu lãi tiền gửi và lãi chênh lệch tỷ giá. Dù vậy, chi phí tài chính cũng gấp 5 lần so với cùng kỳ, lên trên 38 tỷ đồng (chi phí tài chính của công ty chủ yếu là chi trả lãi vay và lỗ chênh lệch tỷ giá). Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt giảm 53% và 17% so với cùng kỳ.
Kết quả, FMC thu về lãi ròng gần 81 tỷ đồng trong quý, giảm 26% so với cùng kỳ, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt hơn 78 tỷ đồng.
Lũy kế năm 2022, FMC thu về 5.702 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 10% so với năm 2021. Trong cơ cấu doanh thu, chiếm tới 96% đến từ bán thuỷ sản, còn lại 214 tỷ đồng là bán hàng nông sản. Hàng bán bị trả lại hơn 5,6 tỷ đồng.
Doanh nghiệp lãi sau thuế gần 320 tỷ, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt gần 308 tỷ đồng. Kết quả này đã vượt 8% kế hoạch doanh thu và gần 3% chỉ tiêu lợi nhuận. Đây cũng là kết quả doanh thu cao nhất trong vòng 26 năm hoạt động của Sao Ta.
Theo giải trình, Công ty cho biết do thị trường tiêu thụ chịu sự ảnh hưởng từ lạm phát và suy thoái kinh tế nên sức tiêu thụ của FMC giảm trong quý IV/2022. Doanh thu giảm là nguyên nhân chính làm lãi ròng giảm.
Nhận xét về tình hình kinh doanh của công ty, ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch HĐQT nhận định rằng, Sao Ta đã kết thúc hoạt động năm 2022 với những bước đi “chậm rãi” ở quý IV do thị trường tiêu thụ trầm lắng và do năm nay vụ nuôi tôm mùa nghịch bị dịch bệnh tấn công nên sản lượng tôm thương phẩm sụt giảm đáng kể. Sản lượng chế biến chỉ bằng 90% so năm trước.
Một điểm đáng chú ý là Sao Ta đã mạnh dạn thay đổi cơ cấu thị trường xuất khẩu. Trong bối cảnh tôm giá rẻ Ecuador tấn công mạnh vào thị trường Hoa Kỳ, khiến thị phần tôm Việt ở đây có xu hướng giảm dần, FMC đã hướng đến Nhật Bản.
Thị phần ở quốc gia này tăng lên đáng kể, từ 28,1% (2020), 38,9% (2021) lên 43,8% trong 2022.
Trong 2022, FMC chi 97 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông lớn, gồm: Tập đoàn PAN 49,4 tỷ đồng, Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Bến Tre 16 tỷ đồng và Công ty Chăn nuôi C.P Việt Nam 32,6 tỷ đồng. Đồng thời FMC cũng mua lại 312,9 tỷ đồng hàng hoá từ đơn vị này.
Cũng theo báo cáo, doanh nghiệp, đã chi 13,4 tỷ đồng để trả lương, thưởng cho ban lãnh đạo và nhân sự cấp cao. Cụ thể, ông Hồ Quốc Lực nhận về hơn 2 tỷ, tăng 11% so với 2021. Bà Nguyễn Thị Trà My – Phó Chủ tịch HĐQT thu về 842 triệu đồng. Một thành viên khác của HĐQT cũng thu về tiền tỷ là ông Phạm Hoàng Việt (2 tỷ) và ông Tô Minh Chẳng (1,36 tỷ). 4 Phó Tổng Giám đốc thu về từ 899,9 triệu đến 1,26 tỷ đồng.
Về cơ cấu tài sản, tính tới ngày 31/12/2022, tổng tài sản của FMC đạt 2.988 tỷ đồng, tăng 10% so với con số đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền của doanh nghiệp đã giảm 23% xuống còn 585 tỷ đồng; phải thu ngắn hạn giảm 21%, đạt 240 tỷ đồng; hàng tồn kho giảm nhẹ xuống còn 929 tỷ đồng, chiếm phần lớn là thành phẩm.
Số liệu ghi nhận trong năm 2022, sản lượng tôm nguyên liệu mua vào gần 26.944 tấn, giảm gần 6% so với cùng kỳ, tuy nhiên sản lượng mua vào hàng nông sản tăng gấp đôi lên 3.670 tấn. Thành phẩm chế biến tôm đông đạt 20.578 tấn, sụt giảm hơn 10% so với cùng kỳ. Sản lượng tiêu thụ hàng thủy sản đia ngang so với năm trước, đạt 18.054 tấn, còn sản lượng tiêu thụ hàng nông sản đạt gần 1.802 tấn, tăng 13% so với cùng kỳ.
Tính đến ngày 31/12, nợ phải trả của doanh nghiệp tăng 20% so với ngày đầu năm lên 874 tỷ đồng. Bao gồm, vay ngắn hạn đạt 863 tỷ đồng, tăng 24% và vay ngắn hạn hơn 10 tỷ đồng. Trong đó, khoản vay ngân hàng chiếm 59% tổng nợ với 515 tỷ đồng (Vietcombank 453,6 tỷ đồng, VietinBank 61,8 tỷ đồng).
Trong báo cáo ngày 7/1 vừa qua, SSI Research cho rằng lạm phát sẽ tiếp tục là một thách thức trong bối cảnh hàng tồn kho còn lại luân chuyển chậm trong 2023. Mặc dù các sự kiện lớn mang tính mùa vụ đang đến (ví dụ như Super Bowl và Lễ Phục sinh ở Hoa Kỳ), SSI Research không cho rằng những sự kiện này sẽ làm giảm lượng hàng tồn kho đang ở mức cao. SSI Research dự báo hàng tồn kho sẽ được xử lý hoàn toàn vào khoảng thời gian nào đó trong quý III năm 2023, với các đơn đặt hàng bắt đầu nhận được vào thời điểm đó.
SSI Research cho rằng rằng doanh thu từ thị trường Trung Quốc sẽ bù đắp một phần cho sự suy giảm doanh thu từ thị trường Hoa Kỳ và EU, nhưng không đủ để mang lại cơ hội phục hồi lợi nhuận của các công ty trong nửa đầu năm 2023. Điều này có thể là do mức lợi nhuận so sánh cao vào năm 2022.