Trang chủ Doanh nghiệp Sau năm 2022 ‘bội thu’, Đạm Phú Mỹ (DPM) đặt kế hoạch kinh doanh giảm tốc trong năm 2023

Sau năm 2022 ‘bội thu’, Đạm Phú Mỹ (DPM) đặt kế hoạch kinh doanh giảm tốc trong năm 2023

bởi Linh

Theo Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ, HoSE: DPM), trong năm 2023, sản xuất kinh doanh phân bón tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn. Cụ thể, giá khí đầu vào không ổn định trong dài hạn sẽ tác động bất lợi đến giá thành sản phẩm phân đạm ure. Trong khi đó, giá ure thế giới nói chung và phân bón khác đang có xu hướng giảm.

Trước những khó khăn đã được dự báo trước, Đạm Phú Mỹ hạ mục tiêu sản xuất kinh doanh trong 2023. Cụ thể, trong năm nay, doanh nghiệp cũng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 2.670 tỷ đồng, dự định nộp 637 tỷ đồng ngân sách nhà nước.

Doanh nghiệp cũng đặt mục tiêu năm 2023 vốn chủ sở của công ty mẹ ở mức 10.149 tỷ đồng với tổng doanh thu là 15.103 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 2.606 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 613 tỷ đồng.

Như vậy, so với kết quả đạt được trong năm 2022, Đạm Phú Mỹ giảm 22% mục tiêu doanh thu và 58% kế hoạch lợi nhuận trong năm nay.

Tại ĐHĐCĐ bất thường vừa diễn ra vào cuối tháng 12/2022, Đạm Phú Mỹ cho biết, năm 2022 doanh nghiệp đạt tổng doanh thu 19.404 tỷ đồng, vượt 13% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế đạt 6.418 tỷ đồng, vượt 55% kế hoạch và nộp ngân sách nhà nước đạt 1.539 tỷ đồng, vượt 51% kế hoạch năm. Năm 2022 cũng là năm mà doanh thu và lợi nhuận của Tổng công ty cao nhất từ trước đến nay. 

Năm 2022, Đạm Phú Mỹ đã về đích với kết quả sản xuất kinh doanh đều vượt so với kế hoạch. Cụ thể, sản lượng sản xuất ure Phú Mỹ đạt 912.000 tấn, vượt 10% kế hoạch; UFC85 đạt 13.000 tấn, vượt 2% kế hoạch; NH3 đạt 72.800 tấn, vượt 4% kế hoạch năm. Sản lượng sản xuất ure năm 2022 đã về đích trước kế hoạch 36 ngày và đây là năm mà sản lượng sản xuất đạt kỷ lục kể từ khi Nhà máy đi vào hoạt động đến nay. 

Đặc biệt, Xưởng Amonia của Nhà máy đã giữ được kỷ lục chạy máy liên tục 464 ngày, từ ngày 19/5/2021 – 26/8/2022, phá kỷ lục của chính mình vào các năm trước (năm 2013 và 2016). 

Trước kết quả đạt được trong năm 2022, Đạm Phú Mỹ đã thông qua mức chi cổ tức 7.000 đồng/cp bằng tiền mặt cho năm 2022 (tương ứng tỷ lệ 70% vốn điều lệ). Tổng số tiền chi cổ tức là gần 2.800 tỷ đồng. Phần lợi nhuận chưa phân phối còn lại của năm 2022 và các năm trước được ban điều hành doanh nghiệp dự trù cho các dự án đầu tư phát triển trong các năm tới.

Về kế hoạch đầu tư của công ty mẹ, năm 2023 Đạm Phú Mỹ dự kiến chi 492 tỷ đồng cho tổng vốn đầu tư. Trong đó, đầu tư xây dựng cơ bản đạt 209,3 tỷ đồng; mua sắm tài sản, trang thiết bị đạt 282,7 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư sẽ được lấy hoàn toàn từ nguồn vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.

Về chỉ tiêu sản lượng, DPM đặt kế hoạch sản xuất được 1,07 triệu tấn phân bón, bao gồm 785.000 tấn ure Phú Mỹ và 200.000 tấn NPK Phú Mỹ,… Sản lượng kinh doanh đạt 1,44 triệu tấn, trong đó ure Phú Mỹ đạt 800.000 tấn, NPK Phú Mỹ đạt 200.000 tấn.

Đối với hoạt động sản xuất phân bón tổng hợp NPK, sản phẩm NPK của Đạm Phú Mỹ phải cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm cùng loại nhưng được sản xuất theo công nghệ đơn giản, kém chất lượng trên thị trường.  

Để hoàn thành kế hoạch của năm 2023, Đạm Phú Mỹ tiếp tục tập trung vận hành Nhà máy đạm Phú Mỹ, xưởng sản xuất NPK và xưởng sản xuất UFC 85/Formaldehyde đảm bảo an toàn, ổn định.

Để nâng cao hiệu quả kinh doanh, giải pháp duy trì lượng hàng tồn kho hợp lý; phát triển thị trường kinh doanh sản phẩm NPK Phú Mỹ; tìm các đối tác mới cho các sản phẩm hóa chất NH3 và UFC85 sẽ được Đạm Phú Mỹ tập trung thực hiện.

Có thể bạn quan tâm