“Chúng tôi cho rằng thời điểm khó khăn nhất về thanh khoản của thị trường tài chính đã đi qua, nhưng giai đoạn khó khăn của hoạt động sản xuất kinh doanh thực vẫn đang tiếp diễn. Trong môi trường này, mọi hoạt động giao dịch đều chậm lại, thanh khoản sẽ giảm kéo dài”, báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán tháng 2/2023 của SGI Capital cập nhật ngày 7/3 cho hay.
Nhận định về thị trường thế giới tháng 2, SGI Capital chỉ ra những diễn biến trái chiều.
Theo đó, chỉ số S&P 500 của Mỹ giảm 2,61%, Kospi (Hàn Quốc) giảm 0,5 %, SET Index (Thái Lan) giảm 2,94% trong khi chỉ số Stoxx 50 của châu Âu tăng 1,8%, Shanghai Composite của Trung Quốc tăng 0,74%.
Trong báo cáo hồi tháng 1, SGI cho rằng FED và các NHTW sẽ tiếp tục tăng nhẹ và duy trì mặt bằng lãi suất cao trong 2023… Sự kết hợp của dòng tiền đầu cơ mạnh trong bối cảnh định giá tăng cao, triển vọng tăng trưởng kém, và lãi suất chưa giảm sẽ là điều kiện tiềm tàng cho một nhịp điều chỉnh của thị trường.
Tại báo cáo lần này, nhóm phân tích chỉ ra thêm rằng mặc dù chỉ số lạm phát kỳ tháng 02/2023 của Mỹ chưa được công bố, hai chỉ số đi trước là ISM price paid và PCE đều cho thấy lạm phát của Mỹ sẽ không giảm mạnh như kỳ vọng. Điều này khiến thị trường thay đổi quan điểm về đỉnh lãi suất của FED theo hướng tăng cao hơn và duy trì lâu hơn.
Trong bối cảnh lạm phát của Mỹ vẫn dai dẳng, FED có khả năng sẽ tiếp tục duy trì chính sách diều hâu với mặt bằng lãi suất cao kết hợp với giảm bảng cân đối kế toán. Thực tế, USD Index đã tăng mạnh trở lại gây sức ép tới các thị trường mới nổi và tài sản rủi ro. Tuy vậy, việc NHTW Trung Quốc và Nhật Bản cùng thực hiện nới lỏng đã khiến thanh khoản trên thị trường tài chính toàn cầu không quá tiêu cực từ cuối 2022 tới nay.
Một điểm tích cực là kinh tế Trung Quốc sau khi mở cửa vẫn đang cho thấy sự phục hồi tốt khi khu vực sản xuất và dịch vụ tăng trưởng mạnh, trong khi NHTW nước này vẫn hỗ trợ thanh khoản cho nền kinh tế. Nhóm phân tích cho rằng Trung Quốc dù chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 ở 5%, cũng đủ đóng góp tới 30% vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay. Và sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc tác động tới các ngành và lĩnh vực vẫn sẽ là chủ đề quan trọng của 2023.
Tại thị trường trong nước, theo SGI Capital, dòng tiền đang cho thấy những diễn biến trái chiều.
Theo đó, nhu cầu tín dụng yếu đang giúp thanh khoản hệ thống cải thiện và lãi suất huy động giảm khoảng 0,5% từ mức đỉnh cuối 2022. Tuy vậy, USD đang tăng giá trở lại và lạm phát trong nước duy trì mức cao sẽ khiến NHNN thận trọng hơn và hạn chế đà giảm lãi suất thời gian tới.
Trong khi đó, lợi tức trái phiếu chính phủ Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử đã giảm về thấp hơn lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ ở các kỳ hạn từ 1 năm – 7 năm. Điều này có thể tạo ra áp lực rút ròng của những dòng vốn đầu tư gián tiếp do nắm giữ VND không còn đủ hấp dẫn so với USD. Trong 4 tuần gần đây, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng gần 3.000 tỷ đồng cổ phiếu.
Ở chiều ngược lại, trong tháng 3 này, quỹ Fubon có thể giải ngân khoảng 4.000 tỷ đồng khi mới nhận được giấy phép huy động 160 triệu USD, và quỹ Vaneck Vectors Vietnam sẽ mua vào hơn 1.500 tỷ khi nâng tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong rổ từ mức 86% cuối tháng 2 lên 100%.
Theo SGI Capital, mặt bằng định giá của thị trường duy trì ở vùng thấp với P/E 11,5x đang chiết khấu rủi ro tăng trưởng chậm lại trong môi trường lãi suất cao.
Hoạt động kinh doanh khó khăn, giao dịch có thể chậm lại và thanh khoản giảm kéo dài
Dự báo cho ngắn hạn, nhóm phân tích cho rằng trụ cột chính của thị trường là ngành ngân hàng, dưới áp lực của NIM thu hẹp, cầu tín dụng yếu và chất lượng nợ xấu đi, có thể sẽ gây thất vọng cho thị trường khi kết quả kinh doanh quý I/2023 và kế hoạch kinh doanh cả năm 2023 được công bố. Trong môi trường lãi suất cao và điều kiện kinh doanh khó khăn, doanh nghiệp và cá nhân ưu tiên giảm đòn bẩy tài chính, ngành ngân hàng sẽ gặp khó.
Trong khi đó, thị trường bất động sản Việt Nam đang trải qua giai đoạn suy giảm và ảm đạm nhất kể từ 2011-2012. Nghị định 08/2023/NĐ-CP vừa ban hành đã mở ra hành lang pháp lý cho khả năng đàm phán giữa các bên nhằm kéo dài hạn trả nợ, tránh đổ vỡ lan rộng trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Tuy vậy, khó khăn về thanh khoản, rủi ro chậm trả, vỡ nợ vẫn còn và sẽ cần thời gian và nguồn lực để giải quyết.
Về dài hạn, SGI Capital cho rằng giải pháp triệt để thị trường chứng khoán đi lên vẫn là mặt bằng lãi suất phải giảm đủ thấp để kích hoạt dòng vốn chảy vào đầu tư và tiêu dùng. Qua đó giúp vòng quay tiền tăng lên, các hoạt động kinh tế phục hồi, doanh nghiệp và cá nhân có điều kiện giảm, cơ cấu lại nợ.
Tuy vậy, điểm khó hiện nay để hạ lãi suất là NHNN chưa có nhiều dư địa điều hành khi Fed vẫn đang thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát.
Nhìn chung, theo SGI Capital, thời điểm khó khăn nhất về thanh khoản của thị trường tài chính đã đi qua, nhưng giai đoạn khó khăn của hoạt động sản xuất kinh doanh thực vẫn đang tiếp diễn. Trong bối cảnh đó, mọi hoạt động giao dịch sẽ đều chậm lại và thanh khoản giảm kéo dài.
“Một chu kỳ kết thúc sẽ luôn chứng kiến những tổn thất và mất mát. Nhiều tên tuổi lớn và quen thuộc có thể tụt lùi… Nhưng đây cũng giai đoạn các ứng viên sáng giá cho một chu kỳ tăng trưởng mới sẽ manh nha xuất hiện”, báo cáo của nhóm phân tích này nói thêm.