Sau hai năm chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, các hãng xe gọi xe công nghệ đã dần bắt nhịp với cuộc sống hậu đại dịch, nhưng hành trình quay trở lại trong năm 2022 cũng gặp không ít khó khăn.
Sau khoảng thời gian hai năm chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, các hãng gọi xe công nghệ tiếp tục trải qua những biến động trong năm 2022 tại thị trường Việt Nam, đặc biệt là khi các lệnh giãn cách xã hội và phong tỏa được nới lỏng, việc đi lại cũng đã diễn ra bình thường trở lại.
Chẳng hạn, theo dữ liệu từ báo cáo về hoạt động cung cấp dịch vụ của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số – Bộ Công thương công bố cho thấy các ứng dụng gọi xe như Grab, Gojek, Be,… đều nằm trong nhóm 10 doanh nghiệp dẫn đầu thị trường cung cấp dịch vụ thương mại điện tử năm 2022.
Có thể thấy, các đơn vị gọi xe công nghệ tại Việt Nam đã nỗ lực để quay trở lại cuộc đua khi nền kinh tế mở cửa trở lại. Dù vậy, việc quay trở lại của các hãng xe cũng gặp không ít khó khăn trong năm nay.
Một trong những vấn đề nổi bật nhất năm 2022 đối với thị trường gọi xe công nghệ phải nói tới vấn đề giá xăng tăng. Trước áp lực liên quan tới việc giá nhiên liệu tăng, đã có một số đơn vị trên thị trường gọi xe thông báo tăng giá cước trong năm nay.
Chẳng hạn, đầu tháng 3, Grab là đơn vị đầu tiên đã thông báo tới các tài xế rằng công ty công nghệ này sẽ bắt đầu tăng cước phí dịch vụ từ ngày tại gần như tất cả các địa phương.
Ngay sau đó, cả Gojek và Be cùng một số đơn vị khác cũng tiếp bước Grab, tăng giá cước cho các dịch vụ gọi xe hai bánh và 4 bánh. Dù vậy, mức tăng giá cước này vào thời điểm đó được dự báo vẫn sẽ khó bắt kịp đà tăng của giá nhiên liệu.
Theo ông Tạ Long Hỷ, Phó Tổng Giám đốc thường trực Taxi Vinasun – Chủ tịch Hiệp hội taxi TP.HCM, việc tăng giá nhằm đảm bảo hài hòa về quyền lợi trong hoạt động kinh doanh và đảm bảo thu nhập cho người lao động.
Riêng với Grab, trong cùng giai đoạn, các nhóm trên Facebook của các tài xế Grab Việt Nam có nhiều sự hỗn loạn. Họ nói về việc giá xăng tăng khiến các cuốc xe “không còn đáng làm”, các khoản phí mang tính “bóc lột” và việc khách hàng dường như “biến mất” khởi ứng dụng mà họ cho rằng là do giá dịch vụ tăng, theo Rest of World.
Grab đã phải đối mặt với áp lực tại một trong những thị trường hứa hẹn nhất của mình. Ở TP HCM, truyền thông địa phương đưa tin về việc nhiều tài xế Grab đã bỏ ứng dụng sau đợt dịch bệnh kéo dài và chi phí nhiên liệu tăng. Ở chiều ngược lại, khách hàng phàn nàn vì việc khó gọi xe.
Không chỉ Grab, nhiều hãng gọi xe công nghệ khác đã phải đau đầu trong việc giữ chân tài xế bởi trong bối cảnh có nhiều khó khăn, không ít tài xế công nghệ đã bỏ việc để tìm kiếm công việc khác.
Để giải quyết vấn đề này, các hãng xe công nghệ đã đưa ra những mức đãi ngộ mới để giữ chân người lao động. Đơn cử như BeGroup quyết định hỗ trợ giảm chiết khấu 10% cho các tài xế beCar thân thiết tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, cũng như bổ sung nâng mức các chương trình hỗ trợ thu nhập lên đến 2 triệu đồng/tuần cho các tài xế của Be nói chung.
Trong khi đó, phía Grab cũng tung ra nhiều chương trình ưu đãi giúp tài xế có thể yên tâm hơn khi làm việc tại công ty. Như từ tháng 6, Grab đã tiếp tục triển khai chương trình thưởng khi hoàn thành chuyến xe GrabCar trong khung giờ cao điểm.
Giai đoạn cuối năm, Grab Việt Nam tiếp tục biến động, nhưng lần này là một thông tin mang tính tích cực khi ông Alejandro Osorio, cựu giám đốc điều hành của Grab Thái Lan, đã được bổ nhiệm vào vị trí CEO Grab Việt Nam 8 tháng sau khi bà Nguyễn Thái Hải Vân, người từng lãnh đạo Grab Việt Nam trước đây, đã quyết định từ nhiệm.
Thị trường vẫn còn dư địa tăng trưởng
Theo Bộ Công thương, với doanh thu khoảng 2,4 tỷ USD trong năm 2021 và tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 30-35% mỗi năm trong giai đoạn từ 2015 đến nay, thi trường gọi xe trực tuyến (ride-hailing) hay “gọi xe công nghệ” tại Việt Nam hứa hẹn tiềm năng lớn, được ví như một “chiếc bánh hấp dẫn”, khiến các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đứng ngồi không yên.
Trong khi đó, theo dữ liệu từ công cụ theo dõi dữ liệu Statista, thị trường gọi xe và giao đồ ăn trực tuyến Đông Nam Á đạt giá trị xấp xỉ 13 tỷ USD vào năm 2021, dự kiến tăng lên mức 42 tỷ USD vào năm 2025. Đây sẽ là cơ hội cho thị trường gọi xe Việt Nam trong việc đạt được những tăng trưởng mới trong những năm tới.
Tính đến tháng 5/2021, Grab vẫn là ứng dụng gọi xe phổ biến nhất tại Việt Nam với tỷ lệ người dùng đạt mức 66%. Đứng ở các vị trí tiếp theo lần lượt là Be (22%), FastGo (8%), MyGo (8%), VATO (4%), theo dữ liệu từ Statista.
Trong khi đó, theo dữ liệu từ Q&Me, tính đến tháng 2/2021, riêng về mảng gọi xe ôm công nghệ, Grab cũng là đơn vị dẫn đầu với tỷ lệ người dùng dịch vụ đạt mức 60%. Đứng ở các vị trí tiếp theo lần lượt là Gojek (19%), Be (18%), FastGo (4%), VATO (2%) và MyGo (4%).
Như vậy, có thể thấy thị trường gọi xe nói riêng vẫn còn dư địa phát triển lớn ở các Việt Nam lẫn Đông Nam Á và vẫn là một sân chơi để các doanh nghiệp như Grab, Gojek, Be,,.. khai thác. Ngoài ra, việc các hãng xe công nghệ tại Việt Nam gặp khó trong năm 2022 cũng là một xu hướng chung khi thế giới đối mặt với sự bất ổn của nền kinh tế vĩ mô.