Trang chủ Doanh nghiệp Tăng dự phòng giảm giá hàng tồn kho gần 5 lần, Vinatex (VGT) báo lỗ quý đầu tiên từ khi cổ phần hóa

Tăng dự phòng giảm giá hàng tồn kho gần 5 lần, Vinatex (VGT) báo lỗ quý đầu tiên từ khi cổ phần hóa

bởi Linh

Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex, mã: VGT) vừa báo lỗ sau thuế hơn 5 tỷ đồng trong quý IV/2022 do sản lượng đơn hàng giảm mạnh và giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Đây là quý lỗ đầu tiên của doanh nghiệp kể từ khi cổ phần hóa và lên sàn chứng khoán.

 

Cụ thể, Vinatex thu về 4.157 tỷ đồng trong quý IV/2022, giảm 15% so với cùng kỳ 2021. Trong khi đó, giá vốn chỉ giảm nhẹ xuống còn 3.962 tỷ đồng làm cho lãi gộp giảm mạnh 71% xuống 194 tỷ đồng; kéo biên lãi gộp giảm xuống 5% từ 14% cùng kỳ năm trước.

Trong kỳ, Vinatex thu về 245 tỷ đồng doanh thu tài chính, tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ do sự tăng mạnh của thanh lý các khoản đầu tư cùng tiền gửi và cho vay. Tuy nhiên chi phí tài chính cũng tăng 3 lần lên 192 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng nhẹ 3% lên 395 tỷ đồng. 

Trừ các khoản chi phí, Vinatex lãi trước thuế 24 tỷ, giảm mạnh hơn 21 lần so với quý IV/2021. Lỗ ròng theo đó chuyển âm 5,2 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi ròng hơn 234 tỷ đồng, tương đương sụt giảm hơn 100%. Đây cũng là quý lỗ đầu tiên của công ty kể từ khi cổ phần hóa (năm 2015) và lên sàn UPCoM (năm 2017) tới nay.

Vinatex cho biết do ảnh hưởng từ chính sách Zero COVID của thị trường Trung Quốc, cầu một số thị trường giảm vào thời điểm cuối năm ảnh hưởng đến tình hình tiêu thụ và giá hàng tồn kho sợi. 

Đáng chú ý, cũng do tình hình thị trường khó khăn tạo ra sự gia tăng nguyên vật liệu, thành phẩm tồn cùng chi phí sản xuất kinh doanh dở dang; hàng tồn kho của doanh nghiệp đến hết quý IV/2022 tăng 20% lên 4.032 tỷ đồng, cũng theo thông tin trong báo cáo tài chính. Với lượng hàng tồn đọng tăng đáng kể, công ty may đã tăng mạnh dự phòng giảm giá tồn kho từ hơn 80 tỷ đồng lên gần 380 tỷ đồng, tương đương gần 5 lần.

Theo Vinatex, việc trích lập để đảm bảo giá trị hàng tồn kho tiêu thụ trong giai đoạn tới phù hợp với giá thị trường. Tuy nhiên, việc trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho đã ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh quý IV/2022 khi so sánh với quý IV/2021 (thời điểm sản lượng tiêu thụ cao, giá bán tốt do sự phục hồi và nhu cầu mạnh mẽ của thị trường sau giai đoạn ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh thương mại và dịch bệnh).

Lũy kế cả năm 2022, Vinatex ghi nhận 18.364 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 15% so với năm trước, 97% trong số đó đến từ hoạt động bán hàng hoá, còn lại là cung cấp dịch vụ, gia công và cho thuê bất động sản đầu tư. Cả năm, Vinatex lãi sau thuế 1.069 tỷ đồng, giảm 19% so với năm 2021. Trong đó lợi nhuận của cổ đông công ty mẹ 649 tỷ đồng.

Năm 2022, công ty đặt mục tiêu doanh thu 18.067 tỷ đồng và lãi trước thuế 951 tỷ đồng, lần lượt tăng 6,4% và 10,2% so với thực hiện năm trước. Với kết quả trên, Vinatex đã vượt 2% chỉ tiêu doanh thu và 27% kế hoạch lợi nhuận năm.

 

Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Vinatex đạt 20.222 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Doanh nghiệp có tổng cộng hơn 2.800 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi các kỳ hạn. Khoản tiền gửi này mang về cho Vinatex 163 tỷ đồng tiền lãi trong năm 2022. 

Ở chiều ngược lại, trong tổng nghĩa vụ nợ 10.659 tỷ đồng của Vinatex, trái phiếu phát hành và nợ thuê tài chính cả ngắn hạn và dài hạn ghi nhận 7.143 tỷ đồng, tương đương gần 70%. Trong năm 2022, Vinatex phải chi hơn 294 tỷ để trả nợ lãi vay.  

 

 

Tại Hội nghị trực tuyến BCH mở rộng sơ kết công tác Đảng và sản xuất kinh doanh 9 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 3 tháng cuối năm 2022, dự báo tình hình, định hướng kế hoạch năm 2023, ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Vinatex nhận định ngành may sẽ khó khăn hơn do thời điểm cuối vụ hàng Đông, chuẩn bị hàng Xuân. Theo đó, trong quý IV/2022, giá bông bước vào mùa vụ mới với sản lượng tăng nhưng mức tiêu thụ là yếu tố hỗ trợ giá giảm. Đến tháng 10/2022, nhiều doanh nghiệp mới chỉ có đơn hàng đạt khoảng 50%-70% năng lực.

Đưa ra dự báo năm 2023, ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT công ty nhận định, tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ ở mức thấp, cận kề với trạng thái khủng hoảng, lạm phát tiếp tục cao và tiếp tục chính sách lãi suất cao, USD mạnh thắt chặt tiền tệ, khả năng tổng cầu dệt may không tăng thậm chí giảm về mức giữa 2020-2021. Phục hồi nếu có chỉ từ quý III, IV/2023 tương ứng với mức giảm của lạm phát tại các nền kinh tế lớn. VND mạnh tiếp tục là trở ngại trong so sánh tương quan với các đối thủ cạnh tranh. Cùng với đó lãi suất VND cao, lương tối thiểu cao hơn các quốc gia cạnh tranh là trở ngại trong thu hút các đơn hàng giá rẻ.

Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Vinatex đã đưa ra 3 kịch bản dự báo về tình hình xuất khẩu của doanh nghiệp năm 2023. Trong kịch bản tốt, 6 tháng đầu năm 2023 bình quân xuất khẩu như quý IV/2022, 6 tháng cuối năm đạt bình quân như 8 tháng đầu năm 2022. Kịch bản trung bình (cơ sở) 9 tháng bình quân xuất khẩu như quý IV/2022, còn quý IV/2023 đơn hàng trở lại như 8 tháng đầu năm 2022. Kịch bản xấu cả năm 2023 đơn hàng chỉ bình quân xuất khẩu như 4 tháng cuối năm 2022.

Có thể bạn quan tâm