Trang chủ Thế giớiKinh tế quốc tế Thái Lan dùng xét nghiệm ADN để đưa sản phẩm gạo trở lại ngôi đầu

Thái Lan dùng xét nghiệm ADN để đưa sản phẩm gạo trở lại ngôi đầu

bởi Linh

Trung tâm xét nghiệm ADN tại Trung tâm Nghiên cứu Lúa gạo Ubon Ratchathani sẽ thúc đẩy khả năng cạnh tranh xuất khẩu của Thái Lan theo kế hoạch lúa gạo giai đoạn 2020-2024.

Thái Lan dùng xét nghiệm ADN để đưa sản phẩm gạo trở lại ngôi đầu

Gạo được bày bán tại siêu thị ở Bangkok, Thái Lan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thái Lan đã khai trương một trung tâm xét nghiệm di truyền để cải thiện giống lúa của mình sau khi loại gạọ Hom Mali (hoa nhài) nổi tiếng của nước này bị một giống của Campuchia soán ngôi tại Hội nghị Lúa gạo Thế giới.

Theo Giám đốc Cục Ngoại thương (DFT) thuộc Bộ Thương mại Thái Lan Ronnarong Phoolpipat, trung tâm xét nghiệm ADN tại Trung tâm Nghiên cứu Lúa gạo Ubon Ratchathani sẽ thúc đẩy khả năng cạnh tranh xuất khẩu của Thái Lan theo kế hoạch lúa gạo giai đoạn 2020-2024.

Dịch vụ xét nghiệm ADN sẽ giúp nông dân trồng lúa, các nhà máy xay xát và nhà kinh doanh gạo đảm bảo tính xác thực của sản phẩm thông qua các xét nghiệm di truyền nhanh chóng với chi phí thấp.

Xuất khẩu gạo Thái Lan có thể vượt mục tiêu bất chấp lũ lụt kéo dài

Ông Ronnarong cho biết thêm rằng dịch vụ này nhằm củng cố danh tiếng quốc tế của gạo Thái Lan và tạo lợi thế trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt.

Tại Hội nghị Gạo Thế giới vào tháng trước, các giám khảo cho rằng gạo Thai Hom Mali đã đánh mất hương thơm nổi tiếng của nó và tôn vinh giống gạo hương nhài Phka Rumduol của Campuchia là ngon nhất thế giới.

Gạo thơm Hom Mali là giống gạo ngon nổi tiếng của Thái Lan. Trong giai đoạn từ tháng 1-10/2022, lượng gạo Hom Mali xuất khẩu đạt 1,28 triệu tấn, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái.

DFT cho biết Thái Lan có thể sẽ đạt được mục tiêu xuất khẩu 7,5 triệu tấn gạo trong năm nay và thậm chí có thể vượt mục tiêu lên 8,58 triệu tấn.

Ông Ronnarong cho biết việc Iraq nhập khẩu 1,3 triệu tấn gạo trong 10 tháng đầu năm nay đã giúp xuất khẩu gạo của Thái Lan tăng 500% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thêm vào đó, xuất khẩu gạo sang 2 thị trường trọng điểm là Mỹ và Philippines đều tăng lần lượt là  25% và 44%.

Ông Ronnarong kỳ vọng xuất khẩu gạo sẽ tăng hơn nữa trong năm 2023 nhờ tỷ giá hối đoái và việc nới lỏng các biện pháp phòng chống COVID-19.

Hiện Indonesia và Bangladesh đã bày tỏ sự quan tâm đến việc nhập khẩu gạo từ Thái Lan vì sản lượng thu hoạch của 2 quốc gia đông dân này không đủ lớn để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Ông Ronnarong cho biết DFT sẽ gặp các nhà xuất khẩu gạo chủ chốt vào tháng tới để đặt mục tiêu xuất khẩu cho năm 2023.

Bên cạnh đó, Cục cũng có kế hoạch tổ chức Hội nghị gạo Thái Lan vào năm tới, cũng như tham gia các hội chợ quốc tế như BioFach của Đức,Gulfood 2023 của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Foodex 2023 tại Nhật Bản,China-ASEAN Expo 2023 và Fine Food 2023 tại Australia để quảng bá gạo Thái Lan./.

Có thể bạn quan tâm