Tổng cục Thống kê vừa cho biết, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2023 so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước đều giảm. Tuy cả xuất nhập khẩu đều giảm, nhưng nhập khẩu giảm mạnh hơn nên cán cân thương mại đã thặng dư trong tháng đầu năm, ước tính lên tới 3,6 tỷ USD, một con số khá cao; trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 1,04 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 4,64 tỷ USD.
Cụ thể, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 01/2023 ước đạt 46,56 tỷ USD, giảm 17,3%, so với tháng trước và giảm 25% so với cùng kỳ năm trước (trong đó xuất khẩu giảm 21,3%; nhập khẩu giảm 28,9%).
Trong khi đó, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2022 đạt 62,1 tỷ USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu đạt 31,9 tỷ USD, tăng 11,6%; nhập khẩu đạt 30,2 tỷ USD, tăng 13,7%.
Nguyên nhân là do tháng 1/2023 là tháng có Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán kéo dài, nên số ngày làm việc ít hơn tháng trước và tháng 1/2022. Năm ngoái, Tết Nguyên đán rơi vào tháng 2.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2023 ước đạt 25,08 tỷ USD, giảm 13,6% so với tháng trước và giảm 21,3% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2023 giảm 21,3%; trong đó, khu vực kinh tế trong nước giảm 27,1%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 19%.
Trong tháng 1/2023, theo Tổng cục Thống kê, có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên, chiếm 66,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu tháng 1/2023, hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 258 triệu USD, chiếm 1%; hàng công nghiệp chế biến ước đạt 22,32 tỷ USD, chiếm 89%; hàng nông sản, lâm sản ước đạt 1,9 tỷ USD, chiếm 7,6%…
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2023 ước đạt 21,48 tỷ USD, giảm 21,3% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 7,48 tỷ USD, giảm 26,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 14 tỷ USD, giảm 18,1%.
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2023 giảm 28,9%; trong đó, khu vực kinh tế trong nước giảm 25,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 30,4%.
Trong tháng 1/2023 có 3 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá từ 1 tỷ USD trở lên, chiếm tỷ trọng 37,2% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2023, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 7,6 tỷ USD; Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 8,1 tỷ USD.
Đánh giá về tình hình xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2023, Tổng cục Thống kê cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế có thể phải đối mặt với lạm phát và thực trạng suy thoái kinh tế ở hầu hết các quốc gia, nhu cầu tiêu dùng toàn cầu suy giảm sẽ tác động bất lợi đến hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam.
Đồng thời, với thực trạng xu hướng xuất, nhập khẩu của quý IV/2022 đã có dấu hiệu suy giảm, các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu bị sụt giảm đơn hàng, dẫn tới cả nhập khẩu và xuất khẩu đều sụt giảm. Dự báo năm 2023, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn.
Nhận định từ Bộ Công Thương cũng cho thấy, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Diễn biến xung đột tại Ukraine, tình hình kiểm soát lạm phát của các quốc gia nhập khẩu, diễn biến kinh tế ở các thị trường có quy mô nhập khẩu lớn trên thế giới.
Tuy nhiên, với việc thực thi lộ trình cắt giảm thuế quan theo các hiệp định thương mại tự do (FTA) và việc đẩy mạnh chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội sẽ là động lực thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu. Thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài tích cực cũng sẽ là động lực tạo thêm năng lực sản xuất mới cho xuất khẩu trong năm 2023.
Một trong những chỉ tiêu mà ngành công thương đưa ra trong năm 2023 là kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tăng khoảng 6%; cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư.
Để đạt được mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tăng khoảng 6% trong năm 2023, Bộ Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp cần chủ động nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu lân cận.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Kinh doanh xuất khẩu (Tập đoàn Lộc Trời) cho rằng, doanh nghiệp cần quan tâm đặc biệt đến vấn đề chất lượng. Cụ thể, cần kiểm soát chặt chẽ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật khi xuất khẩu vào thị trường này.
Cùng với đó, Bộ Công Thương sẽ tăng cường khai thác các thị trường lân cận còn tiềm năng, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu để thúc đẩy xuất khẩu bền vững; đồng thời, Bộ sẽ đổi mới phương thức xúc tiến thương mại, phát triển hạ tầng số nhằm đẩy mạnh phân phối hàng hóa thông qua các kênh thương mại điện tử.
Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ có các chương trình tập huấn dành cho các doanh nghiệp; thúc đẩy các giải pháp cụ thể như triển khai tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp tận dụng FTA, thúc đẩy kết nối, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tận dụng tối đa cơ hội từ EVFTA.