Trong bán niên Niên độ tài chính 2022-2023 (kết thúc ngày 31/12/2022), dù doanh thu của CTCP Thành Thành Công – Biên Hòa (mã: SBT) tăng 32% so với cùng kỳ, thế nhưng doanh nghiệp lý giải gánh nặng tài chính, đặc biệt là lãi vay đè nặng đã khiến lãi sau thuế chỉ đạt 384 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ.
Chi phí lãi vay tăng vọt ‘ăn mòn’ lợi nhuận
Là công ty dẫn đầu ngành mía đường trong nước với 46% thị phần, SBT ghi nhận doanh thu bán niên Niên độ 2022-2023 (từ 30/6/2022-31/12/2022) tăng 32% lên 12.281 tỷ đồng, chủ yếu vẫn từ các sản phẩm mía đường. Tuy nhiên lãi sau thuế ghi nhận 384 tỷ đồng, giảm 14%.
Theo giải trình từ doanh nghiệp, nguyên nhân lợi nhuận giảm chủ yếu do ảnh hưởng mặt bằng lãi suất tăng so với cùng kỳ niên độ 2021-2022 khiến chi phí phí lãi vay tăng 180 tỷ, tương đương 48% so với cùng kỳ. Trong khi các hoạt động lõi của công ty vẫn tiếp tục tăng trưởng.
Trong báo cáo tài chính quý II niên độ tài chính 2022-2023 của SBT, tính đến cuối năm 2022, nợ vay tài chính của SBT ở mức 11.540 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu niên độ và chiếm 60% tổng nợ phải trả. Trong đó bao gồm vay nợ trái phiếu là 2.431 tỷ đồng, còn lại là vay từ các ngân hàng và các tổ chức tài chính. Tổng cộng trong hai quý đầu niên độ, doanh nghiệp trả hơn 540 tỷ đồng cho chi phí lãi vay.
Thực tế, trong mùa báo cáo tài chính vừa qua, số liệu từ báo cáo của nhiều doanh nghiệp niêm yết trên nhiều ngành nghề đều cho thấy gánh nặng chi phí tài chính đang tăng lên đáng kể, trong đó chủ yếu đến từ chi phí lãi vay.
Chẳng hạn, “vua cá tra” Vĩnh Hoàn (VHC) ghi nhận chi phí tài chính quý IV/2022 tăng gấp 8,5 lần cùng kỳ lên mức 136,6 tỷ; góp phần khiến lợi nhuận sau thuế giảm sâu tới 56% về còn gần 200 tỷ đồng – mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021. Hay ‘ông lớn’ ngành dệt may – Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng báo cáo chi phí tài chính tăng gấp đôi cùng kỳ, lên hơn 192 tỷ đồng do cả phần lãi vay và lỗ chênh lệch tỷ giá. Doanh số giảm trong khi các chi phí – bao gồm chi phí tài chính – tăng cao khiến Vinatex lần đầu báo lỗ 5 tỷ đồng sau cổ phần hoá. Chi phí tài chính tăng mạnh cũng là một trong những nguyên nhân ‘ăn mòn’ lợi nhuận tại Công ty CP Nhựa Đông Á. Theo báo cáo tài chính quý IV/2022 của doanh nghiệp này, chi phí tài chính đã tăng 64% lên gần 23 tỷ đồng, chủ yếu đến từ chi phí lãi vay.
Dự báo triển vọng tích cực cho cả năm tài chính
Theo thống kê từ Mirae Asset cuối tháng 12/2022, giai đoạn 2021-2025, SBT tập trung mở rộng vùng nguyên liệu tại Úc đến 20.000 ha. Tháng 8/2022, SBT đưa vào vận hành 1.244 ha, năng suất thu hoạch dự kiến trung bình 900 tấn mía/ngày. Cùng với đó, SBT đẩy nhanh tiến độ với mục tiêu 5.000 ha trong niên độ 2022-2023 (1/7/2022-30/6/2023).
Do đó, trong niên độ tài chính 2022-2023, các chuyên gia Mirae Asset dự phóng doanh thu và lãi ròng của SBT đạt 20.229 tỷ và 1.077 tỷ đồng, tăng 10% và 29% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp tăng từ 12,5% lên 13% nhờ giá đường tăng. Doanh thu mảng sản xuất đường tăng 12%, đạt 18.902 tỷ đồng. Đóng góp vào triển vọng kinh doanh tích cực này là nhu cầu từ Trung Quốc – thị trường nhập khẩu lớn của SBT. USDA dự báo Trung Quốc sẽ nhập khẩu 4,4 triệu tấn đường niên độ 2022-2023.
Trong báo cáo mới nhất, công ty chứng khoán FPTS cũng đánh giá tích cực với hoạt động kinh doanh và cổ phiếu của SBT. Theo đó, đơn vị này dự phóng sản lượng mía và sản lượng đường của doanh nghiệp đều tăng trưởng trong niên độ 2022-2023. Cụ thể sản lượng mía của SBT tăng 38%, sản lượng đường RE (đường tinh chế) từ mía tăng mạnh 60% so với cùng kỳ trong niên độ 2022-2023 giúp SBT giành lại thị phần từ đường RE Thái Lan.
FPTS dự phóng doanh thu thuần niên độ 2022-2023 của SBT đạt 20.490 tỷ đồng, tăng hơn 13%.
Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) cũng nêu ra các triển vọng của ngành đường, sẽ hỗ trợ tích cực vào lợi nhuận của SBT trong niên độ 2022-2023. Với kế hoạch tham vọng của SBT cho niên độ 2024-2025, VCSC ước tính doanh thu thuần của SBT tăng trưởng kép (CAGR) khoảng 27% trong 3 năm tới, cao hơn nhiều so với CAGR giai đoạn 5 năm trước là khoảng 16%.