Trang chủ Đầu tưChứng khoán Thêm 3 dự án nhà ở thương mại được HoREA kiến nghị gỡ vướng

Thêm 3 dự án nhà ở thương mại được HoREA kiến nghị gỡ vướng

bởi Linh

Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) kiến nghị lên Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho 3 dự án nhà ở thương mại.

 

 HoREA đã có 3 Văn bản kiến nghị lên Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xem xét tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho 3 dự án nhà ở thương mại, nâng tổng số dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, đô thị được Hiệp hội kiến nghị lên đến 149 dự án.

Cụ thể, Dự án Khu nhà ở cao tầng phường Phú Mỹ, Quận 7 do Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Hưng Lộc Phát làm chủ đầu tư. Trên cơ sở đơn kiến nghị và hồ sơ dự án, HoREA đề nghị UBND TP HCM quan tâm xem xét, sớm giải quyết kiến nghị của chủ đầu tư đề nghị chấp thuận điều chỉnh cục bộ quy hoạch tỷ lệ 1/2000, đã có Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được phê duyệt. Trên cơ sở cập nhật các chỉ tiêu quy hoạch đã được duyệt tại đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 mà không cần phải giải trình lại các chỉ tiêu quy hoạch đã được phê duyệt, trong đó có chỉ tiêu dân số.

Với Dự án Khu Trung tâm Thương mại và Căn hộ cao cấp tại đường Bến Nghé, phường Tân Thuận Đông, quận 7 của Công ty TNHH Gotec Việt Nam, chủ đầu tư đã có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP HCM chỉ đạo Sở Xây dựng TP HCM giải quyết, cấp thông báo đủ điều kiện để bán nhà ở hình thành trong tương lai.

HoREA nhận thấy, ý kiến chỉ đạo của UBND TP HCM và kiến nghị của chủ đầu đầu tư đều có căn cứ pháp luật. Hiệp hội kiến nghị UBND TP HCM sớm tổ chức cuộc họp làm việc trực tiếp với Công ty Gotec và Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Tư pháp để xem xét giải quyết kiến nghị của chủ đầu tư. Từ đón, cho Công ty được phép bán nhà ở hình thành trong tương lai theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản. 

Thêm 3 dự án nhà ở thương mại được HoREA kiến nghị gỡ vướng

 HoREA tiếp tục kiến nghị gỡ vướng cho các dự án bất động sản. Ảnh Đông Bắc.

Ngoài ra, trên cơ sở Đơn kiến nghị và hồ sơ Dự án sản xuất, kinh doanh lương thực, thực phẩm của Công ty cổ phần Chế biến lương thực và Thực phẩm Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, Hiệp hội đã có Văn bản số 134/2022/CV-HoREA ngày 31/12/2022 kiến nghị UBND tỉnh Hưng Yên, đồng kính gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổ Công tác của Chính phủ.

Trong đó, HoREA đề nghị UBND tỉnh Hưng Yên quan tâm xem xét kiến nghị của Công ty Yên Mỹ về các vướng mắc nêu trên để có văn bản kiến nghị lên các Bộ, Ngành, Chính Phủ, Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét. Theo đó, hướng dẫn tháo gỡ đối với trường hợp doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa khi chuyển mục đích sử dụng đất khác với phương án sử dụng đất đã được phê duyệt trong phương án cổ phần hóa doanh nghiệp. Hoặc tại phương án cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước chưa quy định rõ hoặc không quy định về phương án sử dụng đất, được điều chỉnh mục đích sử dụng đất khi Dự án phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt.

Trong các lần kiến nghị trước đó, HoREA đề nghị tháo gỡ vướng mắc cho 146 dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội của gần 60 doanh nghiệp.

Chủ yếu vướng mắc của các dự án trên liên quan đến thủ tục đầu tư, chuyển mục đích sử dụng đất, thủ tục cấp phép xây dựng, tỷ lệ sở hữu cho cá nhân nước ngoài tại dự án căn hộ… Tại từng dự án, ông Lê Hoàng Châu -Chủ tịch HoREA, đều có những kiến nghị cụ thể với lãnh đạo TP  Hồ Chí Minh cũng như các sở, ngành để tháo gỡ khó khăn sớm nhất cho doanh nghiệp.

Đề xuất trích 10% tiền trúng đấu giá đất để phát triển nhà ở xã hội

Bên cạnh những kiến nghị cho các dự án cụ thể, HoREA cũng vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng góp ý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Đáng chú ý, nhằm thực hiện mục tiêu phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030, HoREA đề xuất bổ sung quy định UBND cấp tỉnh trích 10% tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn để phát triển nhà ở xã hội.

Về lý do nêu đề xuất trên, HoREA cho rằng, nếu chỉ trích 10% tiền sử dụng đất thu từ các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn thì số tiền này không lớn, nhất là đối với các tỉnh vùng sâu, vùng xa.

 Như vậy sẽ khó có thể dành để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng kết nối giao thông của các dự án; cũng như đền bù, giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn và đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, nhất là Nhà nước không có đủ ngân sách để thực hiện đền bù, tạo quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội.

Do đó, HoREA đề xuất, nên bổ sung thêm quy định UBND cấp tỉnh trích 10% tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn để phát triển nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, theo HoREA, nếu bỏ quy định “các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại phải thực hiện nghĩa vụ để góp phần phát triển nhà ở xã hội theo quy định của Chính phủ” thì khó có thể thực hiện được mục tiêu đến năm 2025 phát triển 570.000 căn nhà ở xã hội, đến năm 2030, phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội.

 Do đó, cần thiết bổ sung quy định “các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại phải có trách nhiệm đóng góp nghĩa vụ tài chính để góp phần phát triển nhà ở xã hội theo quy định của Chính phủ” vào Điều 43 và Điều 81 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) để bổ sung một phần nguồn vốn xã hội hóa từ các dự án nhà ở thương mại để thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư.

Có thể bạn quan tâm