Trang chủ Đầu tưChứng khoán Thị trường BĐS có dấu hiệu hồi phục, song vẫn thiếu nguồn cung ở tất cả phân khúc

Thị trường BĐS có dấu hiệu hồi phục, song vẫn thiếu nguồn cung ở tất cả phân khúc

bởi Linh

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tình hình thị trường bất động sản năm nay đã có dấu hiệu hồi phục và phát triển với tổng lượng giao dịch cao hơn so với cùng kỳ. Tuy nhiên, thị trường vẫn đang tồn tại việc thiếu nguồn cung ở tất cả phân khúc sản phẩm.

 

Thị trường BĐS có dấu hiệu phục hồi, song vẫn tồn tại vấn đề thiếu nguồn cung

Theo Báo cáo tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 vừa đăng tải, Bộ Xây dựng đánh giá tình hình thị trường bất động sản năm nay đã có dấu hiệu hồi phục và phát triển.

Tổng lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền cao hơn so cùng kỳ năm trước, trong đó, lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ các dự án tổng hợp sơ bộ khoảng 50.000 giao dịch, lượng giao dịch đất nền tổng hợp sơ bộ khoảng 200.000 giao dịch.

Bên cạnh đó, tỷ lệ hấp thụ sản phẩm ở hầu hết các phân khúc ở mức cao; tỷ lệ trống văn phòng, mặt bằng thương mại cho thuê giảm dần.

Bộ Xây dựng nhận định, về cơ bản, thị trường đã cân bằng trở lại giữa hoạt động đầu tư, kinh doanh với mua bán để sử dụng. Tuy nhiên, thị trường vẫn đang đối diện tình trạng thiếu nguồn cung ở tất cả phân khúc sản phẩm, cơ cấu hàng hóa không phù hợp, thiếu trầm trọng nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ.

Cụ thể, đối với phân khúc nhà ở thương mại, số lượng hoàn thành trong quý III là 17 dự án với 4.123 căn, số lượng dự án bằng khoảng 71% so với quý II và bằng khoảng 34% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, trong đó tại miền Bắc có 10 dự án, tại miền Trung có một dự án, tại miền Nam có 6 dự án.

Số lượng nhà ở thương mại đang triển khai xây dựng là 1.148 dự án, số lượng dự án tương đương với quý II và bằng khoảng 163,3% so với cùng kỳ. Trong đó tại miền Bắc có 21.238 dự án, tại miền Trung có 221 dự án, tại miền Nam có 715 dự án.

Thị trường BĐS có dấu hiệu phục hồi, song vẫn tồn tại vấn đề thiếu nguồn cung

 Bất động sản thiếu nguồn cung trong năm 2022. Ảnh Nhật Di.

Số lượng nhà ở thương mại được cấp phép mới là 36 dự án, bằng khoảng 124% so với quý II và bằng khoảng 92,3% so với cùng kỳ. Trong đó, tại miền Bắc có 18 dự án, tại miền Trung có 1.338 dự án, tại miền Nam có 5 dự án tại TP HCM và Bình Dương. 

Đối với phân khúc nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp, số lượng hoàn thành trong 6 tháng là 13 dự án, với 6.000 căn.

Đối với các dự án đầu tư hạ tầng thực hiện phân lô, bán nền, số lượng được chấp thuận mới, đang triển khai và hoàn thành trong quý III là 232 dự án. Trong đó, đã hoàn thành là 14 dự án, bằng khoảng 87,5% so với quý II; đang triển khai xây dựng là 210 dự án, tương đương với quý II; được cấp phép mới là 8 dự án, bằng khoảng 80% so với quý II.

Đối với các dự án du lịch, nghỉ dưỡng, số lượng được triển khai, hoàn thành trong quý III là 9 dự án, gồm 7 dự án tại Thừa Thiên – Huế, một dự án tại Ninh Bình và một dự án Cao Bằng; bằng khoảng 64,3% so với Quý II/2022.

Tổng số dự án đang triển khai xây dựng là 57 dự án với 21.489 căn hộ du lịch, 4.797 biệt thự du lịch và 282 văn phòng kết hợp lưu trú, tập trung chủ yếu tại Khánh Hòa (26 dự án) và Thừa Thiên – Huế (14 dự án); số lượng dự án bằng khoảng 60,5% so với quý II và bằng khoảng 106% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng số dự án được cấp phép mới là hai dự án mới tại Cao Bằng và Hòa Bình; gấp đôi so với quý II và bằng khoảng 8% với cùng kỳ.

Ở diễn biến khác, về tồn kho bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, trong quý III, tổng lượng giao dịch là 51.003 giao dịch, nguồn cung bất động sản có 18.885 căn nhà ở đủ điều kiện đưa vào giao dịch.

Qua đánh giá cho thấy, trong quý không tạo ra lượng bất động sản tồn kho mới từ thị trường sơ cấp. Nhìn chung, trong 9 tháng đầu năm 2022, số lượng nhà ở trong các dự án đưa ra giao dịch (nguồn cung) hạn chế trong khi nhu cầu đầu tư, mua sử dụng của người dân vẫn cao.

Giá giao dịch tăng ở phân khúc căn hộ chung cư tại các thành phố lớn

Bên cạnh nguồn cung, Bộ Xây dựng cũng cho rằng, thị trường bất động sản đang đối mặt với vấn đề giá giao dịch tăng cao.

Cụ thể, giá nhà ở riêng lẻ, đất nền, căn hộ chung cư vẫn giữ ở mức cao đã được thiết lập tại thời điểm cuối quý II ảnh hưởng đến tính thanh khoản và lượng giao dịch của thị trường, đặc biệt là thị trường thứ cấp.

Tổng hợp tại các địa phương cho thấy giá giao dịch căn hộ chung cư trong quý III cơ bản ổn định so với quý trước, giá nhà ở chung cư tại một số khu vực tại Hà Nội, TP HCM tăng hơn so với quý II.

Mặt khác, giá giao dịch thứ cấp nhà ở riêng lẻ và đất nền trong quý III có xu hướng giảm khoảng 2-3% so với quý trước. Một số khu vực có mức giá giao dịch giảm nhiều trong quý như quận Hà Đông, huyện Thanh Trì, Hoài Đức (Hà Nội); quận 12, huyện Củ Chi (TP HCM); huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa – Vũng Tàu); quận Sơn Trà, Liên Chiểu (Đà Nẵng); TP Biên Hòa, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai). 

Về tín dụng bất động sản, Bộ Xây dựng dẫn nguồn báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, tính đến ngày 30/9, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 796.689 tỷ đồng.

Có thể bạn quan tâm