Nhiều doanh nghiệp chuyển đổi số thành công đã minh chứng cho hiệu quả thiết thực như cắt giảm đáng kể chi phí vận hành, mở rộng được hệ thống cơ sở dữ liệu và gia tăng cơ hội tiếp cận khách hàng.
Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp chuyển đổi số, thu lại những lợi ích trực tiếp và gián tiếp, cải thiện công tác quản lý, điều hành, kinh doanh, nghiên cứu và phát triển… Quan trọng hơn, nhiều đơn vị chuyển đổi số thành công đã minh chứng cho hiệu quả thiết thực như cắt giảm đáng kể chi phí vận hành, mở rộng được hệ thống cơ sở dữ liệu và gia tăng cơ hội tiếp cận khách hàng. Từ đó, góp phần không nhỏ thực hiện mục tiêu tăng trưởng bền vững của doanh nghiệp.
Từ thực tế của địa phương, ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thanh Hóa cho hay, bên cạnh những mặt tích cực, chuyển đổi số trong doanh nghiệp ở địa phương hiện nay đang tồn tại một số vấn đề như có không ít doanh nghiệp chưa hiểu thế nào là chuyển đổi số. Một số doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn có tâm lý sợ tốn chi phí, thiếu nguồn lực con người và lo ngại về tính an toàn, bảo mật thông tin. Hơn thế , nhiều doanh nghiệp mong đợi, việc chuyển đổi số cần phải được triển khai thực sự hiệu quả và có tính thực chất hơn, tránh tình trạng hình thức, phong trào, khó phát huy những giá trị trong thực tiễn. Tính đến thời điểm này, vẫn chưa có thống kê số lượng doanh nghiệp chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và cũng chưa có bất kỳ đánh giá nào về thực trạng chuyển đổi số của tỉnh….
Bà Nguyễn Thúy Anh, Trưởng phòng Kinh tế số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho hay, hạn chế về thông tin các giải pháp chuyển đổi số trên thị trường, hạn chế về tiếp cận các nguồn tài chính nhằm triển khai chuyển đổi số và hạn chế trong việc xây dựng hệ sinh thái tổng thể nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, bao gồm chính sách, nhân lực, logistics, phương thức thanh toán và hạ tầng kết nối… đang là những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải trong quá trình chuyển đổi số hiện nay.
Theo bà Nguyễn Thúy Anh, doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ tại Việt Nam đang chiếm phần đa số, ước tính chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp, nhưng thực trạng đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ để chuyển đổi số còn chưa cao. Khoảng hơn 90% doanh nghiệp trong số này chưa thực sự hiểu biết về chuyển đổi số và tầm quan trọng của chuyển đổi số và hơn 70% số doanh nghiệp chưa biết bắt đầu từ đâu.
Thậm chí, chỉ chưa đến 10% trong số họ nhận định rằng, việc chuyển đổi số đã thành công và có thể mang lại giá trị trọng yếu cho doanh nghiệp. Trong khi đó, Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trên thế giới về ban hành các chương trình và Chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Hành động này của Chính phủ đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nhận thức về chuyển đổi số, tạo thêm nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp vươn lên, bứt phá nhờ cách mạng công nghệ. Để thúc đẩy tiến trình này, bà Thúy Anh cho rằng, cần có giải pháp kết nối các đơn vị cung cấp giải pháp chuyển đổi số uy tín để đồng hành, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp.
Hiện nay, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cùng với một số đối tác đồng hành như Công ty cổ phần FPT, Công ty ACCESSTRADE Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đã xây dựng và cung cấp một số giải pháp chuyển đổi số uy tín để triển khai, xây dựng Hệ sinh thái chuyển đổi số cho ngành công thương, tạo kênh hỗ trợ thiết thực và hiệu quả cho các doanh nghiệp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Ở góc độ chuyên gia, ông Nguyễn Trọng Đường, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông ghi nhận, gần đây, hoạt động chuyển đổi số đã có những bước tiến rõ ràng tạo thành làn sóng trong các doanh nghiệp.
Qua “Cổng chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa SMEdx” đã có trên 600.000 doanh nghiệp tiếp cận, tham khảo thông tin về các nền tảng được đăng tải và cũng có khoảng 70.000 doanh nghiệp sử dụng một trong số các nền tảng của chương trình để chuyển đổi số, chiếm 1/10 số lượng doanh nghiệp. Tuy nhiên, chuyển đổi số mới chỉ ở phần nhận thức, chứ chưa có nhiều doanh nghiệp triển khai để đưa vào sử dụng. Cũng mới chỉ có 500 doanh nghiệp tham gia và đăng ký tài khoản trên Cổng thông tin đánh giá mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp và chỉ có khoảng 400 doanh nghiệp tự đánh giá mức độ chuyển đổi số của mình để xác định doanh nghiệp mình đang ở giai đoạn nào, mức độ trưởng thành số ra sao, khâu mạnh khâu yếu theo từng giai đoạn chuyển đổi số để tự đưa ra lộ trình, kế hoạch chuyển đổi số phù hợp với kế hoạch phát triển toàn diện. Qua đó, hỗ trợ cho các cơ quan quản lý đánh giá thực chất hơn quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp.
Theo ông Đường, để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý Nhà nước cần ban hành nhiều chính sách liên quan để tăng cường hợp tác giữa các bên tham gia gồm Nhà nước, đối tác cung cấp dịch vụ và doanh nghiệp. Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng cần xây dựng văn hóa, cải thiện các kỹ năng kết nối. Đây chính là nguyên tắc để triển khai đánh giá chuyển đổi số và thực hiện chuyển đổi số trong doanh nghiệp thành công. Hy vọng, trong thời gian tới ngày càng nhiều doanh nghiệp quan tâm và tham gia mạnh mẽ hơn vào việc đánh giá mức độ chuyển đổi số; giúp cho tiến trình chuyển đổi số thực sự mang lại lợi ích cho doanh nghiệp.