Theo Ban chỉ đạo chương trình chỉnh trang đô thị Hà Nội, năm 2022 thành phố đã hoàn thành một số nội dung cải tạo chung cư cũ nhưng tiến độ còn chậm tiến độ so với kế hoạch.
Ban chỉ đạo chương trình số 03 của Thành ủy Hà Nội vừa có báo cáo về Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025, trong đó nêu việc kiểm định, quy hoạch các khu chung cư, nhà chung cư chưa đạt tiến độ. Hội đồng thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, bố trí chỗ ở tạm thời chưa được thành lập. Quy định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn thành phố cũng chưa được ban hành.
Thành phố lý giải, việc ban hành quy định chậm do Nghị định số 69/2021 và các quy định liên quan chưa nêu cụ thể phương pháp xác định hệ số k (hệ số bồi thường), quy đổi tính giá trị căn hộ tái định cư, căn cứ xác định lợi nhuận định mức mà chủ đầu tư được hưởng khi thực hiện dự án, xây dựng các tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư.
Giữa tháng 12/2022 thành phố Hà Nội đã lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân cho dự thảo quy định hệ số k. Trong năm 2022, Hà Nội đã hoàn thành chính sách đặc thù để thúc đẩy tiến độ cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ. Thành phố cũng rà soát 11 dự án, trong đó 10 chung cư cũ đã lựa chọn được chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại và một chung cư đang trình UBND thành phố chấp thuận chủ đầu tư.
Cũng trong năm 2022, hai dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ hoàn thành, chuẩn bị đưa vào vận hành, khai thác gồm: Nhà 3A Quang Trung, quận Hoàn Kiếm; khu chung cư cũ L1, L2 Nam Thành Công, quận Đống Đa.
Bảy dự án đang triển khai gồm: Nhà A&B khu tập thể Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy; khu tập thể Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà Trưng; khu tập thể X1-26 Liễu Giai, quận Ba Đình; khu tập thể dịch vụ vận tải đường sắt, quận Hoàng Mai; chung cư số 148-150 Sơn Tây, quận Ba Đình; khu tập thể Viện tư liệu phim Việt Nam, quận Ba Đình; chung cư số 23 Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm.
Thành phố cũng đã kiểm định xong 126 nhà chung cư cũ; đánh giá, phân loại cụ thể 19 ý tưởng quy hoạch do các nhà đầu tư đề xuất; 14/15 quận, huyện có chung cư cũ thành lập Ban chỉ đạo cải tạo, xây dựng lại, ban hành kế hoạch để triển khai…
Trong giai đoạn 2021-2025, thành phố lên kế hoạch cải tạo 10 khu chung cư cũ, bao gồm bốn khu chung cư có nhà cấp D – cấp độ nguy hiểm, nguy cơ sụp đổ, phải di dời khẩn cấp người dân, gồm: Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, nhà của Bộ Tư pháp; và sáu khu có tính khả thi để cải tạo là Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân.
Còn 27 hộ ở chung cư nguy hiểm cấp D chưa đồng ý di dời
Thông tin về việc di dời các hộ dân đang sinh sống tại các chung cư cũ nguy hiểm cấp D (cấp cao nhất có thể đổ sập bất cứ lúc nào), Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố có 6 nhà, khu chung cư cũ có nhà nguy hiểm cấp D (quận Đống Đa có 1 nhà và quận Ba Đình có 5 nhà).
Đến hết năm 2022, UBND quận Đống Đa đã hoàn thành di dời các hộ dân, ra khỏi nhà nguy hiểm cấp D tại số 51 phố Huỳnh Thúc Kháng. UBND quận Ba Đình đã hoàn thành di dời các hộ dân tại đơn nguyên 1, 3 tập thể Bộ Tư pháp (phố Phan Kế Bính) và đơn nguyên 1 nhà A Ngọc Khánh. Còn 3 nhà chưa hoàn thành di dời với tổng cộng 27 hộ.
Cụ thể, đơn nguyên 1, 2 nhà G6A khu tập thể Thành Công còn 23/49 hộ; đơn nguyên 3 nhà C8 khu tập thể Giảng Võ còn 1/37 hộ; nhà số 148-150 Sơn Tây còn 3/19 hộ. Hiện, UBND quận Ba Đình đang tuyên truyền, vận động các hộ dân còn lại di dời khỏi chung cư nguy hiểm.