Trong bối cảnh hiện nay, vàng được cho rằng tiếp tục hưởng lợi từ xu hướng chống lạm phát trong năm 2023. Các chuyên gia dự báo, vàng vẫn có triển vọng trong dài hạn; trong đó, nhiều khả năng sẽ có những đợt điều chỉnh mạnh trên thị trường kim loại quý này.
Ngày đầu tiên giao dịch sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 (27/1), giá vàng trong nước diễn biến trái chiều, giao dịch trên mốc 68 triệu đồng/lượng.
Sang phiên giao dịch cuối tuần (28/1), các công ty đồng loạt niêm yết tăng giá vàng. Chốt phiên, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 67,4 – 68,42 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 100 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng SJC ở mức 67,4 – 68,4 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), cũng tăng 100 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Cùng lúc đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay tăng 0,1% lên 1.931,61 USD/ounce lúc 2 giờ 27 phút sáng 28/1 (theo giờ Việt Nam).
Năm 2023, ông Andrew Naylor – Giám đốc điều hành khu vực châu Á – Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) và Chính sách công tại Hội đồng Vàng Thế giới (World Gold Council – WGC) khẳng định, vàng tiếp tục là một kênh trú ẩn an toàn trong bối cảnh lạm phát tăng cao, nhưng đây chắc chắn không phải là động lực duy nhất để thúc đẩy nguồn đầu tư vào kênh vàng từ nhà đầu tư cá nhân và tổ chức.
Nghiên cứu của WGC cho thấy, trong giai đoạn lạm phát thấp (mức lạm phát bằng hoặc thấp hơn 3%), lợi nhuận trung bình hằng năm của vàng xuyên suốt lịch sử được ghi nhận là gần 7% tính theo USD. Trong giai đoạn lạm phát cao (mức lạm phát trên 3%), lợi nhuận có thể lên đến gần 13%. Lãi suất tăng cao là một rào cản cho lợi suất của vàng – khi lãi suất tăng, lợi suất của vàng giảm.
Ông Andrew Naylor đánh giá, năm 2022, thị trường đã chứng kiến sự ảnh hưởng tiêu cực lên vàng đến từ sự kết hợp giữa tỉ lệ lạm phát cao và sự tăng trưởng lãi suất. Sang năm 2023, WGC kỳ vọng sự ấn định lãi suất, lạm phát và những xung đột về địa chính trị sẽ là những nhân tố thúc đẩy lợi suất của vàng.
Trước đó, giới quan sát cho rằng giai đoạn chuyển giao không mấy vui vẻ từ năm 2022 sang năm 2023 đã làm tăng rủi ro suy thoái vào nửa cuối năm, nhưng cũng làm giảm nhu cầu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) duy trì chính sách tiền tệ quá tích cực.
Các nhà hoạch định chính sách của Fed đã báo hiệu rằng họ kỳ vọng lãi suất cuối cùng sẽ tăng cao hơn một chút – chỉ hơn 5% – trong khi các nhà giao dịch đang tìm kiếm mức lãi suất đạt đỉnh là 4,9% vào tháng 6/2023. Hầu hết giới đầu tư cũng đặt cược vào việc Fed chỉ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm cơ bản.
Ông Colin Cieszynski, Chiến lược gia trưởng thị trường tại Công ty Quản lý tài sản SIA Wealth Management đánh giá, vàng đã ghi nhận giai đoạn tăng giá tốt trong vài tuần qua nhờ được hưởng lợi từ đồng USD Mỹ yếu đi.
Về mặt kỹ thuật, vàng có vẻ bị mua vào quá mức và sẽ phải tạm dừng đà tăng giá trong thời gian ngắn – đặc biệt là trước khi Fed đưa ra quyết định chính sách. Cũng theo chuyên gia của SIA Wealth Management, triển vọng dài hạn cho vàng vẫn lạc quan.
Trong khi đó, ông Chintan Karnani, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Công ty Tư vấn tài chính Insignia Consultants cho biết, Fed có thể gây bất ngờ cho thị trường không chỉ thông qua lãi suất, mà còn bằng những điều chỉnh nhỏ và có ý nghĩa đối với triển vọng kinh tế cùng triển vọng lạm phát.
Theo ông Karnani, vàng vẫn chưa phá vỡ mức 2.000 USD/ounce và nhiều khả năng sẽ có những đợt điều chỉnh mạnh trên thị trường kim loại quý này, trừ khi có lý do phù hợp để vượt mức trên. Vị chuyên gia nhận định giới giao dịch vàng sẽ tìm kiếm manh mối về việc tạm dừng lãi suất của Fed để họ có thể thúc đẩy giá vượt ngưỡng 2.000 USD/ounce.