Trang chủ Việt NamĐầu tư phát triển Triển vọng ngành điện 2023: Nhóm thủy điện ‘hết thời’, điện gió ‘lên ngôi’

Triển vọng ngành điện 2023: Nhóm thủy điện ‘hết thời’, điện gió ‘lên ngôi’

bởi Linh

Năm 2023, nhóm thủy điện sẽ khó có thể ghi nhận tăng trưởng vượt trội như những năm trước do hiện tượng La Nina đã qua đi. Nhóm nhiệt điện khí LNG vẫn sẽ duy trì được mức sản lượng, còn nhóm năng lượng tái tạo, cụ thể là điện gió sẽ được ưu tiên phát triển hơn theo Quy hoạch điện VIII.

Triển vọng ngành điện 2023: Nhóm thủy điện ‘hết thời’, điện gió ‘lên ngôi’

Ảnh minh họa: Bộ Công Thương.

Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) vừa có báo cáo triển vọng ngành điện năm 2023.

Thủy điện bị ảnh hưởng bởi El Nino, nhóm năng lượng tái tạo sẽ được ưu tiên phát triển

Theo dự báo những năm tới, nhu cầu tiêu thụ điện vẫn tăng trưởng ổn định trong dài hạn. Các chuyên gia cho rằng, khi hiện tượng La Nina bắt đầu suy yếu vào nửa đầu năm 2023, El Nino sẽ duy trì trạng thái trung tính vào tháng 3/2023 ở mức 70% nên tình hình thủy văn sẽ bắt đầu kém khả quan hơn cho các doanh nghiệp thủy điện.

Các doanh nghiệp nhiệt điện với các nhà máy mới có tuổi đời còn mới, vận hành ổn định được kỳ vọng sẽ được huy động sản lượng cao hơn.

Trong khi đó nhóm nhiệt điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) sẽ gặp nhiều thách thức. Việt Nam dự kiến sẽ phát triển hơn 28.400 MW nguồn điện sử dụng khí LNG nhập khẩu và có hơn 14.900 MW nguồn điện khác được chuyển đổi sang sử dụng LNG nhằm bù đắp cho nguồn khí đốt khai thác trong nước và hạn chế phát thải từ nhiệt điện than.

Tuy nhiên, các chuyên gia dự đoán giá khí đốt chưa thể hạ nhiệt ngay. Nga hiện đang là quốc gia xuất khẩu LNG lớn thứ 4 trên thế giới và xung đột giữa Nga và Ukraine xảy ra từ đầu năm đã đẩy giá LNG tăng vọt sau đó giảm về 30 USD/mmBTU như hiện tại, nhưng mức giá này vẫn rất cao so với mức trung bình 15 – 18 USD/mmBTU trong năm 2021.

Báo cáo của VCBS cho biết, giá khí LNG vẫn gây khó khăn cho quá trình đàm phán giá bán diện. Theo tính toán của một số chuyên gia hiện tại để giá bán điện có thể ở mức 7 UScents/kWh thì giá LNG nhập khẩu cần ở mức 12 USD/mmBTU.

Ngoài ra, hợp đồng mua bán khí giữa các quốc gia thường sẽ được ký kết trong một khoảng thời gian dài và hạn chế sự tham gia của bên thứ 3. Do đó, quá trình tìm kiếm nguồn cung từ các đối tác và đàm phán 3 bên giữa nhà cung cấp, chủ đầu tư và EVN sẽ có thể mất nhiều thời gian.

Với nhóm năng lượng tái tạo, do cơ cấu nguồn điện được phát triển theo hướng xanh hơn theo Quy hoạch điện VIII, điện gió sẽ là nguồn điện được ưu tiên phát triển mạnh nhất với tốc độ tăng trưởng công suất hàng năm (CAGR) ở mức 29,1%/năm trong giai đoạn 2020 – 2035 và 7,5%/năm trong giai đoạn 2035 – 2050.

Ngược lại, điện mặt trời sau giai đoạn tăng trưởng nóng sẽ không được đẩy mạnh đầu tư cho đến năm 2030, tuy nhiên kể từ giai đoạn 2030 – 2050 công suất sẽ đạt mức tăng trưởng trung bình 12%/năm.

Theo nhận định của chuyên gia, nhiệt điện khí sử dụng nguồn khí LNG nhập khẩu cũng sẽ là nguồn điện được ưu tiên phát triển mạnh cho đến năm 2035 với tổng công suất dự kiến ở mức 28.400 MW (chiếm khoảng 15% tổng công suất nguồn điện).

Trong khi đó, công suất thủy điện gần như không có sự thay đổi nhiều do tiềm năng thủy điện gần như đã được khai thác hết. Tỷ trọng nhiệt điện than sẽ giảm dần từ 29% (năm 2020) xuống chỉ còn 10% trong tổng cơ cấu nguồn điện vào năm 2050. Nhiệt điện than sẽ không được phát triển mới sau năm 2030.

 nhóm năng lượng tái tạo

Điện gió sẽ là nguồn điện được ưu tiên phát triển mạnh nhất đến năm 2050. (Nguồn: VCBS).

Nhìn chung, sẽ có nguồn vốn đầu tư lớn để phát triển nguồn và lưới điện. Nguồn vốn đầu tư dự kiến cho các công trình lưới điện và nguồn điện trong giai đoạn từ năm 2021 – 2045 lần lượt khoảng 83 tỷ USD và 9,35 tỷ USD. Các doanh nghiệp trong mảng xây lắp, tư vấn như Xâp lắp điện I (Mã: PC1), CTCP Tư vấn Xây dựng Điện 2 (Mã: TV2) sẽ được hưởng lợi nhờ khối lượng hợp đồng lớn.

 nhóm năng lượng tái tạo

Nguồn: Quy hoạch điện VIII, VCBS.

Về các dự án nguồn điện mới, dự kiến sẽ có khoảng ba nhà máy điện khí sử dụng nguồn khí Lô B: Ô Môn II (1.050 MW), Ô Môn III (1.050 MW) và Ô Môn IV (1.050 MW) đi vào vận hành trong giai đoạn 2021 – 2025. Quá trình triển khai các dự án trên hiện đang có những tín hiệu khả quan nhất định.

Đối với nhiệt điện than, cả nước có 5 nhà máy điện than mới với tổng công suất 4.592 MW đi vào vận hành trong giai đoạn 2021 – 2025, các dự án dự kiến phát triển trong giai đoạn 2026 – 2030 hiện vẫn đang gặp khó khăn trong quá trình triển khai đầu tư. Đồng thời sẽ có khoảng 14.120 MW nhiệt điện than không được phát triển mới sau khi QHĐ VIII được rà soát lại.

Có thể bạn quan tâm