“Khi tiến độ đầu tư công đạt kế hoạch và các nút thắt của thị trường bất động sản được tháo gỡ, dư địa tăng trưởng của các công ty ngành Xây dựng sẽ được rộng mở”, báo cáo mới nhất của Chứng khoán Mirae Asset nhận định và xếp hạng trung tính cho triển vọng ngành Xây dựng trong năm nay.
Chi phí nguyên vật liệu tăng, áp lực đè nặng lên lợi nhuận ngành xây dựng
Theo báo cáo ngành xây dựng mới cập nhật ngày 22/6, các chuyên gia từ Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS) nhận định trong ngắn hạn, biên lợi nhuận của ngành còn chịu nhiều áp lực khi chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao và lượng cung bất động sản trên thị trường nhà ở suy giảm, cũng như tác động lan tỏa từ đầu tư công chưa đạt kỳ vọng.
Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 ước thanh toán đến ngày 31/5/2022 là 115.922,47 tỷ đồng, đạt 22,37% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giải ngân vốn trong nước là 113.744,63 tỷ đồng, đạt 23,15% kế hoạch; giải ngân vốn ngoài nước là 2.177,83 tỷ đồng, đạt 6,26% kế hoạch.
“Trong những năm trước, tỷ lệ giải ngân đầu tư công 6 tháng đầu năm rơi vào khoảng 22%–26%, vì thế tỷ lệ hiện tại đang ở mức thông thường như mọi năm. Tính đến 31/05/2022 tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công là 22,4% – tương đương với cùng kỳ 22,1%”, báo cáo của MAS cho hay. Tiến độ giải ngân như vậy dù tăng nhẹ so với năm ngoái nhưng chưa đạt kỳ vọng trong bối cảnh Chính phủ và Quốc hội dành nguồn lực rất lớn cho đầu tư cơ sở hạ tầng.
Còn về phía thị trường bất động sản, nhìn chung hơn một năm qua là giai đoạn thị trường nhà ở trầm lắng, cùng đó nguồn cung sơ cấp hạn chế khiến thị trường xây dựng càng trở nên khó khăn.
Tại Hà Nội, số liệu do MAS trích dẫn tại báo cáo cho thấy chỉ 2.800 căn hộ được chào bán trong quý I/2022, tức nguồn cung mới giảm mạnh 38% so với quý trước và giảm 29% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng giao dịch thành công khoảng 4.000 căn, trong đó số lượng căn hộ mở bán mới chiếm một nửa, tỷ lệ hấp thụ giữ nguyên 20% so với quý trước và so với cùng kỳ. Do nguồn cung hạn chế, giá nhà cũng tăng nhẹ. Trong 5 năm qua, phân khúc trung cấp và giá rẻ tăng nhanh nhất với tăng trưởng từ 7 – 8%, còn phân khúc cao cấp chỉ tăng 4%.
Còn tại TP Hồ Chí Minh, trong quý I/2022, nguồn cung mới tiếp tục khan hiếm với chỉ hơn 2.000 căn hộ được mở bán, giảm mạnh 62% so với quý trước và giảm 3% so với cùng kỳ năm trước. Cùng đó, nguồn cung sơ cấp lại bị hạn chế với chỉ hơn 3.020 căn hộ được chào bán, giảm mạnh 48% so với quý trước và giảm 18% so với cùng kỳ năm trước, khiến cho tỷ lệ hấp thụ tăng cao nhất trong 5 quý trở lại đây và đạt 75%, trong đó căn hộ mở bán mới có mức hấp thụ đến 83%.
Trên thị trường chứng khoán, trong quý I/2022, lợi nhuận sau thuế của nhóm cổ phiếu Xây dựng ghi nhận độ phân hóa lớn và diễn biến trái chiều: một số cổ phiếu có tốc độ tăng trưởng đột biến, trong khi một số có tốc độ tăng trưởng âm (LCG, CTD), hoặc báo cáo lỗ (FCN).
Nhóm nghiên cứu MAS chỉ ra rằng trong kỳ, các doanh nghiệp có tăng trưởng lợi nhuận đột biến chủ yếu đến từ các giao dịch tài chính như thoái vốn, mua rẻ; mà không phải đến từ hoạt động kinh doanh chính (chẳng hạn CII ghi nhận khoản thoái vốn tại công ty con, VCG có lãi từ giao dịch mua rẻ); hoặc do so sánh với lợi nhuận rất thấp của quý I/2021 – thời điểm Việt Nam đang trong quá trình phòng chống COVID-19.
Kỳ vọng ở tiến độ đầu tư công nửa cuối năm
Nhìn về dài hạn, MAS bày tỏ kỳ vọng tích cực vào tăng trưởng của cổ phiếu ngành Xây dựng khi nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng và bất động sản dân cư tại Việt Nam vẫn rất lớn.
MAS đánh giá triển vọng đầu tư công trong năm 2022-2023 là rộng mở trong bối cảnh Quốc Hội chấp thuận chủ trương đầu tư 5 dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV vừa qua gồm: đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh; đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1; đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1.
Đối với riêng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 lên tới 50.327 tỷ đồng. Tính từ đầu năm đến hết tháng 5/2022, khối lượng giải ngân của Bộ đạt 15.080 tỷ đồng, đạt 34,9% kế hoạch đã giao chi tiết và đạt 29,8% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Theo Bộ GTVT, nguyên nhân chủ yếu gây chậm tiến độ do khó khăn về nguồn vật liệu đất đắp nền đường, thời tiết không thuận lợi và biến động giá vật liệu xây dựng.
Bộ dự kiến cuối năm 2022 sẽ đưa vào sử dụng 4 đoạn cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1 với tổng chiều dài 361 km bao gồm cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45 (chiều dài 63,4km), cao tốc Cam Lộ – La Sơn (98,3km), cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết (100,8km) và cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây (99km). Như vậy, cùng với đoạn Cao Bồ – Mai Sơn đã đưa vào sử dụng vào đầu năm nay, dự kiến 5/11 đoạn cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 sẽ hoàn thành trong năm nay. Theo tiến độ, 6 dự án còn lại dự kiến sẽ hoàn thành trong 2023.
“Khi tiến độ đầu tư công đạt kế hoạch và các nút thắt của thị trường bất động sản được tháo gỡ, dư địa tăng trưởng của các công ty ngành Xây dựng sẽ được rộng mở”, báo cáo của MAS đặt nhiều kỳ vọng ở giải ngân đầu tư công.
Lựa chọn một số cổ phiếu đáp ứng tiêu chí vốn hóa, thanh khoản, mang tính đặc trưng và đại diện cho từng phân khúc xây dựng; MAS gọi tên các cổ phiếu CTD, HBC, HTN cho nhóm dân dụng và VCG, HHV, CII, LCG, FCN, TCD cho nhóm công nghiệp, hạ tầng.