Trong một năm 2022 bất ổn với kinh tế toàn cầu, đồng USD đồng đã chạm mức cao kỷ lục 20 năm. Một số yếu tố, cả trong nước và quốc tế, đã góp phần khiến đồng USD lên giá. Dù tình hình kinh tế có thể thay đổi trong năm 2023, các chuyên gia nhận định đồng bạc xanh sẽ vẫn duy trì đà tăng giá.
Trượt khỏi mức đỉnh 20 năm
Vào ngày 21/9, đồng USD đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 20 năm so với các đồng tiền khác trong rổ tiền tệ quốc tế.
Nguyên nhân là do các nhà đầu tư đổ dồn vào các tài sản an toàn trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine chưa hạ nhiệt và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất cơ bản.
Cụ thể, chỉ số USD, thước đo giá trị của đồng bạc xanh với các đồng tiền khác là đồng euro, yen Nhật, bảng Anh, đô la Canada, krona Thụy Điển và franc Thụy Sỹ đã tăng 0,5% lên mức 110,87 điểm, mức cao nhất kể từ năm 2002.
Trong khi đó, các đồng tiền châu Âu lại đi xuống. Giá trị đồng euro giảm xuống mức thấp nhất trong 2 tuần, đứng ở mức 0,9885 USD/euro. Đồng bảng Anh cũng giảm 0,4%, xuống còn 1,1305 USD/bảng, mức thấp nhất trong 37 năm.
Tuy nhiên, đồng USD sau đó đã trượt từ mức đỉnh của 20 năm, khi những tín hiệu về sự “giảm nhiệt” của lạm phát ở Mỹ làm dấy lên đồn đoán rằng Fed sẽ sớm giảm tốc độ tăng lãi suất.
Đồng bạc xanh đã giảm giá hơn 4% so với một rổ 6 đồng tiền chủ chốt khác trong tháng 11/2022, tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2010, theo dữ liệu từ Refintiv. Tuy nhiên, nếu tính từ đầu năm, đồng USD vẫn tăng khoảng 11%.
Vẫn là đồng tiền an toàn
Các chuyên gia cho rằng việc đồng USD lên giá so với các đồng tiền khác trong năm 2022 do một số nguyên nhân.
Vị thế của đồng USD trong nền kinh tế toàn cầu là nguyên nhân chính giải thích cho việc đồng tiền này tăng giá trong năm nay. Độ tin cậy của đồng bạc xanh đã khiến đồng tiền này trở thành đồng tiền dự trữ chủ đạo của toàn cầu kể từ Thế chiến thứ 2, khi được hầu hết các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới sử dụng cho các giao dịch thương mại và tài chính quốc tế.
Theo người phụ trách ngoại hối của tổ chức tại công ty dịch vụ tài chính StoneX, nguyên nhân khiến đồng USD tăng giá là đồng tiền này vẫn được xem là đồng tiền an toàn, thường tăng giá trong những thời điểm thị trường trong trạng thái lo ngại.
Phó Giáo sư Dave Schabes tại Trường Chính sách công Harris, thuộc Đại học Chicago, nói thêm rằng xung đột tại Ukraine cũng là một yếu tố cần nhắc tới. Ông cho rằng Mỹ luôn được xem là địa điểm an toàn trong những thời điểm bất ổn về chính trị hay xung đột quân sự. Khi xung đột nổ ra, các nhà đầu tư chuyển tiền đến những nơi an toàn cho đến khi xung đột được giải quyết.
Trong khi đó, xung đột Nga-Ukraine đe dọa làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế trên khắp châu Âu và gây ra khủng hoảng năng lượng trong năm 2023 và có thể là năm 2024.
Lãi suất tiếp tục tăng
Sức mạnh của đồng USD, được đo bằng chỉ số USD, liên quan đến các đồng tiền khác. Điều này có nghĩa các chính sách kinh tế của các nước khác cũng ảnh hưởng đến giá trị của đồng USD.
Ông Schabes nói, trong khi tất cả các nước nói trên đã tăng lãi suất, Mỹ đã tăng lãi suất lên cao hơn nhiều. Mỹ có thể tăng lãi suất mạnh như vậy do nền kinh tế nước này vẫn tương đối vững, trong khi Khu vực sử dụng đồng euro chứng kiến nền kinh tế một số nước yếu hơn, do giá khí đốt tự nhiên và dầu mỏ tăng mạnh cũng như tác động thông qua chuỗi cung ứng.
Theo Giám đốc phụ trách kinh tế vĩ mô tại Trung tâm Tăng trưởng Bình đẳng Washington, Michael Madowitz, lạm phát tại Mỹ tăng chậm hơn cũng khiến dòng tiền đầu tư từ các nước khác tìm đến Mỹ.
Đồng USD có còn tăng giá trong năm 2023?
Một số yếu tố đang thay đổi có thể ảnh hưởng đến giá trị của đồng USD trong năm tới. Đó là không rõ liệu Fed có tiếp tục điều chỉnh lãi suất hay không. Việc Fed tiếp tục tăng lãi suất có thể khiến kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái và tác động đến các nước đang phát triển vốn đã chịu ảnh hưởng do giá hàng hóa của Mỹ tăng.
Tuy nhiên, lãi suất có thể tiếp tục tăng. Ông Schabes cho rằng, cho đến khi lạm phát giảm đáng kể và kinh tế Mỹ không rơi vào suy thoái, Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong phần lớn thời gian của năm 2023.
Trong khi đó, nhiều nước đã bắt đầu tăng lãi suất và có thể sẽ tiếp tục, điều có thể cân bằng vị thế của đồng USD.
Ông Madowitz cho rằng, khi lãi suất sẽ tăng trên toàn cầu, lãi suất tại Mỹ tăng là một phần trong câu chuyện đồng USD lên giá, nhưng mức tăng thấp hơn nhiều so với kỳ vọng.
Xung đột tại Ukraine tiếp diễn cũng là yếu tố tác động đến giá trị của đồng USD trong 2023. Cả ông Donovan và ông Schabes đều nhận định đồng bạc xanh sẽ vẫn mạnh so với các đồng tiền ở châu Âu nếu xung đột tiếp diễn.
Tác động của đồng USD mạnh tới người tiêu dùng
Khi đồng USD lên giá, giá cổ phiếu giao dịch tại Mỹ được tính theo đồng tiền này có thể giảm, có nghĩa khoản tiết kiệm hưu trí của nhiều nhà đầu tư sẽ giảm. Một nghiên cứu của Northwestern Mutual cho thấy số dư tiền tiết kiệm hưu trí giảm 11% kể từ năm 2021.
Giá trị đồng USD tăng có nghĩa giá một số hàng hóa nhập khẩu sẽ rẻ hơn với hàng hóa sản xuất trong nước. Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, giá hàng hóa nhập khẩu giảm 1,1% trong tháng Chín, khi đồng USD đạt đỉnh, và tăng thêm 0,2% trong tháng 10/2022.
Du lịch nước ngoài có thể cũng có chi phí thấp hơn khi đồng USD tăng giá, đặc biệt là ở những khu vực mà đồng tiền này tăng giá so với đồng nội tệ. Tính đến cuối năm 2022, những nước có thể kể đến là Nhật Bản, Vương quốc Anh, Thụy Điển, Thụy Sỹ và Canada.