Trang chủ Việt NamĐầu tư phát triển Triển vọng xuất khẩu Việt Nam năm 2023 – Bài 1: Tín hiệu tích cực

Triển vọng xuất khẩu Việt Nam năm 2023 – Bài 1: Tín hiệu tích cực

bởi Linh

Theo Trung tâm WTO và hội nhập (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI), các sản phẩm, hàng hóa Việt Nam đang xuất khẩu sang một số thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, kể cả Mỹ và Liên minh châu Âu (EU)… đều tăng trường tương đối tốt trong thời gian gần đây. Điều này, mở ra nhiều triển vọng cho hàng hóa của Việt Nam không chỉ tiến sâu vào thị trường quốc tế mà còn tận dụng cơ hội tốt nhờ ưu thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) bắt đầu phát huy hiệu quả trong thực tiễn.

Tận dụng lợi thế FTA

Đối với thị trường Hàn Quốc, Việt Nam đang xuất khẩu sang Hàn Quốc nhiều nhóm hàng có thế mạnh, đặc biệt là nông sản chế biến. Ông Nguyễn Văn Thứ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm G.C (GC Food) chuyên sản xuất, kinh doanh các mặt hàng chế biến từ nha đam và thạch dừa, cho biết, Hàn Quốc vẫn là thị trường lớn và có giá bán rất tốt.

Hiện nay, GC Food đã nhận được một số lời đề nghị sản xuất từ các doanh nghiệp Hàn Quốc và đang trong quá trình đàm phán để xây dựng nhà máy nước giải khát nhằm xuất khẩu qua thị trường này. Nhờ có Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Hàn Quốc (VKFTA), đã giúp cho sản phẩm của Việt Nam; trong đó, gồm cả các mặt hàng sản phẩm của GC Food trở nên cạnh tranh hơn rất nhiều so với sản phẩm cùng loại của Thái Lan.

Vì lẽ đó, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam, không chỉ GC Food đã tận dụng tối đa lợi thế bởi chuỗi cung ứng của cộng đồng doanh nghiệp hai nước nhằm phát huy hiệu quả trong thương mại. Cũng có không ít doanh nghiệp Việt đã và đang chủ động tự nâng cao năng lực để tìm kiếm cơ hội mở rộng hợp tác với các đối tác Hàn Quốc.

Kết quả là sau hơn 6 năm thực thi VKFTA cho tới nay, thương mại hai chiều giữa Việt Nam – Hàn Quốc đã liên tục tăng trưởng mạnh. Theo số liệu thống kê của Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam – Hàn Quốc trong năm 2022 đã đạt hơn 87,7 tỷ USD và phấn đấu đạt mục tiêu năm 2023 là 100 tỷ USD.

Cũng như Hàn Quốc, báo cáo mới đây của Bộ Công Thương đã chỉ ra rằng, năm 2022, tình hình quốc tế và châu Âu có nhiều diễn biến phức tạp, khủng hoảng năng lượng, lạm phát tăng cao, chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài ở nhiều nước, rủi ro về suy thoái kinh tế tại các nước khu vực châu Âu và tiêu dùng có xu hướng giảm… Tuy nhiên, bằng nhiều nỗ lực, nhiệm vụ phát triển thị trường châu Âu đã đạt được những kết quả tích cực.

Theo đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam với các nước châu Âu trong năm 2022 đạt khoảng 76,3 tỷ USD, tăng 5,1 % so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, xuất khẩu đạt gần 56 tỷ USD, tăng 10,2%. Thặng dư thương mại của Việt Nam với khu vực thị trường châu Âu đạt 35,5 tỷ USD.

GS.TS Nguyễn Thường Lạng, Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định, đã tới lúc các FTA thế hệ mới bắt đầu phát huy hiệu quả thực thi. tạo thị trường sâu và rộng hơn cho việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các quốc gia đối tác, nhờ vào việc được giảm thuế suất gần như về 0%, giúp cho giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục hành chính và tạo lợi thế xuất khẩu. Không chỉ VKFTA mà các FTA khác còn giúp mang đến thế mạnh về nguồn lực lao động giá thấp, tận dụng nguồn vốn dồi dào và công nghệ cao từ các tập đoàn xuyên quốc gia, xây dựng được thành chuỗi cung ứng…

Đây thực sự được coi là công cụ lấn lướt, giúp cho nền kinh tế Việt Nam bớt đi những ảnh hưởng tiêu cực bởi nhiều biến động của thị trường kinh tế thế giới và diễn biến của đại dịch COVID-19 vừa qua. Việc tận dụng hiệu quả các FTA khiến các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chuyển lợi thế thành lợi ích. Đồng thời, giúp các doanh nghiệp không chỉ tự tin mà còn sẵn sàng tham gia sâu rộng vào thị trường toàn cầu. Đây cũng chính là động lực để cả doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp FDI mở rộng đầu tư tại Việt Nam cho hoạt động xuất khẩu. Kết hợp với các lợi thế về vốn, công nghệ, mạng lưới và thương hiệu toàn cầu thì các doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam sẽ có thêm lợi thế so sánh, giúp tạo lợi ích thương mại đáng kể.

Có chính sách thúc đẩy

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, hiện tại, các doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc, đơn cử như Samsung vào Việt Nam sẽ kéo theo các nhà mua hàng và đối tác của họ. Doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng tốt những mối quan hệ này và cần biết cách “nuôi dưỡng”, phát triển thêm cho ngành công nghiệp phụ trợ; tập trung sâu hơn vào những nhóm hàng có giá trị gia tăng cao giúp tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu tốt hơn thời gian qua.

Mặc dù, đánh giá cao sự chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh với các đối tác Hàn Quốc song tỷ lệ tận dụng C/O ưu đãi từ Hiệp định Thương mại tự do đa phương và song phương giữa Việt Nam – Hàn Quốc hiện nay chỉ ở mức trên 50%. Nếu có thêm các chính sách thúc đẩy; các cơ chế ưu đãi hợp lý và chủ trương khuyến khích từ Nhà nước, chắc chắn tỷ lệ này có thể được cải thiện nhiều hơn nữa. Thậm chí, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc có thể tăng gấp đôi, tương đương đạt mức 150 tỷ USD trong 7 năm tới đây. 

GS.TS Nguyễn Thường Lạng khuyến nghị, các cơ quan quản lý cần quan tâm đến sự phát triển của doanh nghiệp, bằng những giải pháp khuyến khích đổi mới sáng tạo, hỗ trợ đầu tư phát triển công nghiệp nền tảng, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, phát triển công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy khởi nghiệp. Do đó, yêu cầu cấp thiết hiện nay là phải cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ xuất khẩu để tiết kiệm tối đa chi phí.

Với các doanh nghiệp, yêu cầu về sự minh bạch, bình đẳng, thân thiện, hợp tác của môi trường kinh doanh luôn được coi trọng, nhằm giảm khâu trung gian và chi phí không chính thức. Việc đơn giản hoá thủ tục hành chính, tạo thuận lợi kinh doanh và thương mại cả về hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ logistics và hạ tầng xã hội phải được thực hiện hiệu quả và hiệu năng, tạo khác biệt tích cực thì mới tạo được kết quả đột phá

Song song đó, về phía các doanh nghiệp, để tận dụng tối đa cơ hội xuất khẩu, bà Đào Thu Trang, Chuyên gia Tư vấn Chiến lược phát triển thị trường, VCCI cho rằng, bên cạnh việc hiểu và tận
dụng tốt các FTA, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm hiểu văn hóa, hành vi, cách mà người tiêu dùng tại các thị trường đối tác mua hàng. Một số đặc điểm và thói quen của người tiêu dùng là sự trung thành với các sản phẩm có thương hiệu và luôn mong  muốn tìm hiểu nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm đó như:  nơi sản xuất, mức độ an toàn, thân thiện với môi trường… Doanh nghiệp cũng cần có chiến lược phát triển thị trường, chiến lược marketing hay chiến lực truyền thông bài bản. Đồng thời, cần chuẩn bị hành trang và những thông tin đầy đủ để đưa sản phẩm sang những thị trường lớn.

Có thể bạn quan tâm