Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) nhận định triển vọng ngành xây dựng 2023 có nhiều điểm sáng nổi bật ở nhóm xây dựng hạ tầng và công nghiệp. Song, vẫn tồn tại ảnh hưởng tiêu cực phân hóa đa dạng từng nhóm ngành.
Theo báo cáo triển vọng ngành xây dựng 2023 VCBS công bố ngày 3/1, nhóm phân tích nhận định các doanh nghiệp xây dựng đang đứng trước những cơ hội lớn về hoạt động thi công trong bối cảnh giảm giá vật liệu và thị trường lao động ổn định hơn.
Nhiều yếu tố thuận lợi chờ đón doanh nghiệp xây dựng năm 2023
Thuận lợi đầu tiên, theo VCBS là điều kiện cho hoạt động thi công diễn biến tích cực. Cụ thể, sau thời gian bị gián đoạn mạnh do hệ quả làn sóng trở về địa phương của người lao động phổ thông trong giai đoạn giãn cách (nửa cuối năm 2021), tính đến cuối quý III/2022, lực lượng lao động về cơ bản đã trở về mức ổn định.
Cùng đó, một trong những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình thi công xây dựng là thời tiết. Chu kì thời tiết dự báo chuyển sang trạng thái El Nino với đặc điểm ít mưa từ năm 2023, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động này, đặc biệt tại các dự án hạ tầng giao thông.
Bên cạnh hoạt động thi công thuận lợi, giá nhiều loại vật liệu sụt giảm từ quý III/2022 cũng là một điểm sáng khác trong bức tranh triển vọng ngành xây dựng năm nay. Theo đó, VCBS kỳ vọng giá thép sẽ chưa ghi nhận xu hướng tăng mới nhờ nhu cầu thép trên thế giới vẫn còn thấp do áp lực từ lạm phát, xu hướng thắt chặt tiền tệ và thị trường bất động sản Trung Quốc sẽ cần thêm vài năm để hồi phục sau khủng hoảng; cùng với đó là chuỗi cung ứng được nối lại hậu đại dịch. Giá vật liệu đi xuống kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến biên lợi nhuận các doanh nghiệp xây lắp.
Dù vậy, VCBS cho rằng tác động từ việc giảm giá nguyên vật liệu trên đây sẽ có sự phân hóa giữa các nhóm doanh nghiệp.
Cụ thể, các doanh nghiệp xây dựng dân dụng, đặc biệt các dự án cao tầng và xây dựng công nghiệp sẽ hưởng lợi lớn do các nguyên liệu thép/ tôn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu chi phí. Biên lợi nhuận nhóm doanh nghiệp trên dự kiến sẽ có sự cải thiện khi hợp đồng với các nhà cung cấp được điều chỉnh theo đơn giá mới.
Trong khi đó, đối với nhóm doanh nghiệp xây dựng hạ tầng như các dự án cao tốc, tác động sẽ khá hạn chế do các loại vật liệu chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi phí (đất đắp, cát san nền, đá,…) vẫn duy trì xu hướng tăng giá.
Thêm một yếu tố thuận lợi cho triển vọng ngành năm 2023, đặc biệt là lĩnh vực xây dựng hạ tầng, theo VCBS, là tác động lan tỏa từ các dự án đầu tư công. Giai đoạn 2023-2024 dự kiến sẽ là 2 năm trọng điểm giải ngân trong chu kỳ đầu tư với nhiều dự án quy mô lớn được triển khai.
Theo đó, từ cuối năm 2022, nhiều dự án lớn tồn đọng từ chu kỳ đầu tư 2016 – 2020 đã dần hoàn thiện, tạo điều kiện bước đầu triển khai các dự án thuộc chu kỳ đầu tư 2021-2025. Sau kinh nghiệm từ các dự án trước đó, hoạt động giải phóng mặt bằng tại các dự án quan trọng như Sân bay Long Thành, cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2,… được tách ra thành dự án độc lập, từ đó tiến độ khởi công được đẩy nhanh, mở ra nguồn việc lớn cho các doanh nghiệp xây lắp hạ tầng giao thông.
Ngoài ra, rút kinh nghiệm từ các dự án đầu tư trước đó, cơ quan nhà nước trong năm 2022 đã ban hành một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu, đặc biệt đối với vấn đề thiếu hụt và trượt giá vật liệu. Chẳng hạn, chấp thuận các dự án thành phần Cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 áp dụng cơ chế đặc thù để gỡ vướng vấn đề mỏ nguyên liệu, yêu cầu các địa phương có dự án cao tốc đi qua công bố chỉ số giá xây dựng hàng tháng để theo sát hơn biến động giá thị trường các loại vật liệu…
Những yếu tố này được kỳ vọng giúp nhà thầu thi công tại các dự án thuộc chu kì đầu mới tăng cường khả năng đảm bảo nguồn vật liệu và duy trì biên lợi nhuận ngay cả trong môi trường giá vật liệu biến động.
Cuối cùng, một yếu tố tích cực cho động lực tăng trưởng của mảng xây dựng công nghiệp, được dự báo đến từ nhu cầu nhà xưởng tăng cao khi dòng vốn FDI kì vọng duy trì mức tăng trưởng tích cực; sự gia tăng xu hướng các nhà phát triển khu công nghiệp tự đầu tư hệ thống nhà xưởng rồi cho thuê (thay vì chỉ cho thuê đất), cùng đó các vật liệu chủ đạo cho xây dựng nhà xưởng/ nhà máy (thép thanh, thép cuộn, tôn lợp,…) đã ghi nhận mức giảm mạnh và kì vọng cải thiện biên lợi nhuận các doanh nghiệp.
Thách thức chưa biến mất
Bên cạnh những thuận lợi, báo cáo của VCBS chỉ ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp ngành xây dựng trong năm 2023. Trong đó có cả những thách thức kéo dài từ năm 2022 và chưa biến mất.
Đầu tiên, dự báo nhóm doanh nghiệp xây dựng dân dụng có nguy cơ trải qua một năm khó khăn do chịu sự ảnh hưởng từ thị trường bất động sản chưa phục hồi, trong bối cảnh nhu cầu xây dựng thấp và áp lực cạnh tranh tăng cao, thêm vào đó rủi ro trích lập dự phòng phải thu đáng kể – nhất là trong nửa cuối năm
Theo đó, số dự án được cấp phép trong 9 tháng năm 2022 ghi nhận mức thấp nhất trong 4 năm gần nhất do lo ngại về trách nhiệm sau khi nhiều sai phạm về đất đai bị xử lý mạnh tay trong thời gian gần đây; các cơ quan có xu hướng chờ hệ thống văn bản luật mới như Luật Đất đai, Luật Nhà ở và các nghị định liên quan được ban hành.
Thị trường bất động sản nhìn chung đi vào giai đoạn trầm lắng khi xu hướng thắt tín dụng và lãi suất tăng cao gây khó khăn cho người mua nhà và giá nhà đã khá cao so với nhu cầu và khả năng chi trả của đa số người dân.
Trong khi đó, nguồn vốn phát triển dự án của các chủ đầu tư bị thu hẹp do môi trường tín dụng thắt chặt và việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp khó khăn hơn từ các quy định mới. Theo VCBS, so với phân khúc nhà ở thương mại, hoạt động xây dựng các dự án văn phòng, trung tâm thương mại tương đối bền vững hơn nhờ sự hồi phục các hoạt động kinh tế sau đại dịch. Tuy vậy các dự án văn phòng và thương mại sẽ chỉ bù đắp một phần sự sụt giảm trong khối lượng thi công nhờ quy mô thấp so với mảng nhà ở thương mại cùng thời gian hoàn thiện pháp lý và phát triển dự án thường kéo dài.
Do đó trong năm nay, hoạt động triển khai các dự án nhà ở và khối lượng thi công của các doanh nghiệp xây dựng dân dụng được dự báo vẫn ở mức thấp.
Đặc biệt, VCBS chỉ ra trong năm 2023, một lượng đáng kể TPDN sẽ bắt đầu đáo hạn và sẽ tạo áp lực lớn cho các doanh nghiệp bất động sản. Nhiều chủ đầu tư có thể thiếu hụt nghiêm trọng về dòng tiền khi áp lực trích dự phòng phải thu dần mạnh mẽ từ giữa năm 2023, ảnh hưởng đến khả năng và tiến độ thanh toán cho các nhà thầu. Áp lực trích dự phòng phải thu tại các doanh nghiệp xây dựng nhiều khả năng sẽ thể hiện mạnh mẽ từ giữa năm, khi các khoản phải thu xây dựng quá hạn thanh toán trên 6 tháng.
Theo đó, khó khăn trong thu hồi công nợ được dự báo sẽ ảnh hưởng lớn đến vị thế tài chính và thanh khoản của các doanh nghiệp xây dựng khi phần lớn các nhà thầu phải sử dụng nợ vay để tài trợ cho hoạt động thi công. Áp lực sẽ đặc biệt nghiêm trọng đối với các nhà thầu có tỷ trọng phải thu trong cơ cấu tài sản lớn, đặc biệt khi các khoản phải thu nằm nhiều tại các chủ đầu tư bé hoặc đang gặp rủi ro về sai phạm liên quan đến phát hành trái phiếu sai quy định; cũng như các nhà thầu sử dụng đòn bẩy tài chính cao.
Trong khi đó, doanh nghiệpxây dựng hạ tầng dù hưởng lợi từ đầu tư công nhưng được dự báo đối diện với nguy cơ thiếu hụt vật liệu xây dựng. Theo VCBS, kế hoạch đầu tư hạ tầng giai đoạn 2021-2025 tập trung nhiều tại khu vực phía Nam sau nhiều năm khu vực trên không được cải thiện đáng kể về hệ thống giao thông; tuy nhiên đặc điểm địa lý khu vực đồng bằng sông Cửu Long có trữ lượng cát san lấp đạt chất lượng thi công rất hạn chế, chủ yếu tập trung tại khu vực thượng lưu sông nhưng đặc điểm nền đất yếu, nhiều phù sa yêu cầu khối lượng vật liệu đắp cho các dự án cao tốc cao hơn so với thông thường.
Phần lớn các địa phương trong các năm qua chưa phát triển nhiều trong lĩnh vực xây dựng và hạ tầng, dẫn đến sự thiếu hụt các nguồn cung cấp vật liệu xây dựng tại chỗ và hệ thống các doanh nghiệp, nhà thầu phụ trợ.
Ngoài ra, giá vật liệu đắp tại các dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2 dự báo sẽ cao hơn giai đoạn 1 do thiếu hụt nguồn cung cấp nên khoảng cách vận chuyển vật liệu trung bình cao hơn đáng kể và giá dầu Diesel leo cao cùng chính sách hạn chế tải trọng xe đặt áp lực mạnh lên chi phí vận chuyển.
VCBS cho rằng, việc kiểm soát chi phí và đảm bảo nguồn cung vật liệu sẽ tiếp tục là yếu tố then chốt đối với các nhà thầu trong chu kỳ đầu tư mới. Các nhà thầu không đủ năng lực có thể sẽ gặp những khó khăn nghiêm trọng trong tiến độ và biên lợi nhuận.
Đáng chú ý, VCBS nhận định các gói thầu xây lắp mới trong chu kỳ đầu tư 2021 – 2025 sẽ tập trung nhiều hơn cho các doanh nghiệp có quy mô và tiềm lực tài chính lớn, nhất là sau chủ trương không chia nhỏ các gói thầu để quản lý chất lượng và lọc bỏ các nhà thầu năng lực yếu.
Do đó, báo cáo của VCBS đánh giá cao các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng sở hữu dòng tiền tốt và cơ cấu tài chính khỏe mạnh, đảm nhận được các gói thầu lớn và không phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn vay tài chính cho hoạt động thi công; cũng như có khả năng tận dụng được việc tham gia xây lắp dự án hạ tầng để cải thiện các hoạt động kinh doanh khác.
Về phía doanh nghiệp xây dựng công nghiệp, dù được dự báo triển vọng kinh doanh tích cực trong năm nhờ bùng nổ nhu cầu xây dựng nhà xưởng, hạ tầng KCN cũng như việc các loại vật liệu quan trọng đã ghi nhận mức giảm giá đáng kể; nhưng khó khăn có thể đến từ mức độ cạnh tranh dự kiến tăng lên đáng kể trong giai đoạn tới khi nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực xây dựng dân dụng/ hạ tầng tích cực gia nhập thị trường.
Trong bối cảnh đó, VCBS cho rằng lợi thế trong cạnh tranh sẽ thuộc về các doanh nghiệp quy mô lớn, có khả năng cung cấp dịch vụ xây lắp trọn gói cho KCN trên nhiều hạng mục (hạ tầng nội khu, nhà xưởng, văn phòng & nhà ở công nhân,…); cũng như các nhà thầu có mối quan hệ tốt và thân thuộc văn hóa với các doanh nghiệp nước ngoài sẽ có nhiều lợi thế trong đấu thầu các dự án lớn khi các doanh nghiệp FDI thiết lập chuỗi cung ứng tại Việt Nam.