Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã chứng khoán: VCB) đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 9% so với năm 2022, tín dụng tăng 12,8% so với năm 2022, huy động vốn tăng trưởng phù hợp với tăng trưởng tín dụng. Tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5%. Biên lợi nhuận (NIM) từ 3,24%. Lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 12% so với năm 2022.
Thông tin trên được ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành Vietcombank công bố tại Hội nghị triển khai công tác Đảng và nhiệm vụ kinh doanh năm 2023 diễn ra sáng 9/1 ở Hà Nội.
Theo VCB, kinh tế thế giới năm 2023 được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi tăng trưởng kinh tế chậm lại, lãi suất tiếp tục ở mức cao nhằm kiểm soát lạm phát, thương mại toàn cầu giảm do tổng cầu suy giảm, tắc nghẽn nguồn cung. Triển vọng kinh tế Việt Nam 2023 vì thế cũng đan xen giữa thách thức và cơ hội.
Trước bối cảnh đó, năm 2023, Vietcombank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 9% so với năm 2022, tín dụng tăng 12,8% so với năm 2022, huy động vốn tăng trưởng phù hợp với tăng trưởng tín dụng. Tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5%. Biên lợi nhuận (NIM) từ 3,24%. Lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 12% so với năm 2022.
Các chỉ tiêu liên quan đến tổng tài sản và tăng trưởng tín dụng dự kiến ở trên, Vietcombank cho biết chưa loại trừ dư nợ 51.000 tỷ đồng dự kiến bán cho một tổ chức tín dụng yếu kém nhận chuyển giao bắt buộc trong năm 2023.
Để hiện thực mục tiêu trên, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Thanh Tùng đưa ra loạt giải pháp trọng tâm. Trong đó, nhấn mạnh việc kiểm soát tốt tăng trưởng tín dụng theo trần tín dụng của Ngân hàng Nhà nước và thực hiện cơ cấu danh mục theo định hướng của trụ sở chính. Tăng trưởng tín dụng bán lẻ, tín dụng tại phòng giao dịch gắn với đảm bảo kiểm soát chất lượng ở mức an toàn cao nhất. Giám sát chặt chẽ tình hình hoạt động và chất lượng tín dụng của khách hàng, đặc biệt là khách hàng FDI. Chủ động rút giảm dư nợ đối với nhóm khách hàng có hiệu quả thấp, rủi ro tiềm ẩn cao.
Đồng thời, điều hành huy động vốn linh hoạt và hiệu quả, bám sát diễn biến thị trường, tình hình nguồn vốn – sử dụng vốn của Vietcombank để kịp thời có các giải pháp huy động vốn phù hợp, tăng cường phát triển khách hàng huy động vốn mới, tiền gửi không kỳ hạn.
Song song với đó, ông Tùng yêu cầu phải tăng cường quản trị rủi ro, đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ ngoại bảng; kiểm soát chặt chẽ chất lượng danh mục tín dụng theo ngành, lĩnh vực; giảm tỷ trọng cho vay bất động sản, đặc biệt đối với tín dụng bán lẻ; tăng cường quản lý các khoản nợ đang được cơ cấu, hạn chế chuyển nợ xấu; đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ ngoại bảng ngay từ quý I/2023…
Ngoài ra, tập trung phát triển khách hàng, sản phẩm và dịch vụ, đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số, tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức, phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực… cũng là những giải pháp trọng tâm của Vietcombank năm 2023.
Trước đó, năm 2022, Vietcombank cũng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 12% so với kết quả năm 2021, tức khoảng hơn 30.675 tỷ đồng.
Về kết quả thực hiện trong năm 2022, ông Nguyễn Thanh Tùng, cho biết VCB ghi nhận lợi nhuận trước thuế riêng lẻ tăng 39% so với năm 2021 và đạt 119% kế hoạch năm 2022. Huy động vốn thị trường I (từ dân cư và tổ chức) đạt 1,26 triệu tỷ đồng, tăng 9,1% so với năm 2021, đạt 100% kế hoạch năm 2022. Tỷ trọng huy động vốn không kỳ hạn bình quân đạt 34%, tăng 1,8 điểm % so với 2021. Tín dụng tăng trưởng vượt mốc 1,15 triệu tỷ đồng, tăng 19% so với cuối năm 2021, kiểm soát trong tỷ lệ tăng trưởng được Ngân hàng Nhà nước giao.
Năm 2022, Vietcombank kiểm soát tốt chất lượng tín dụng với tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức 0,67% tương đương với 7.662 tỷ đồng, thấp hơn đáng kể so với kế hoạch được giao. Dư quỹ dự phòng rủi ro là 35.603 tỷ đồng. Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu nội bảng đạt 465%, mức cao nhất hệ thống ngân hàng.
Kết thúc năm 2022, biên lợi nhuận (NIM) của ngân hàng đạt 3,51%, tăng 0,24 điểm % so với 2021. Chỉ số tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) và tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) duy trì ở mức cao, lần lượt là 1,84% và 24,25%.
Với các công ty con và liên doanh liên kết, lãnh đạo Vietcombank cho biết 9 công ty con hoạt động hiệu quả với tổng lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 976 tỷ đồng; trong đó, 5/9 công ty hoàn thành trên 100%.
Cũng tại hội nghị, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank cho biết, ngay từ đầu năm 2022, Vietcombank đã triển khai chính sách miễn phí và lãi, duy trì mặt bằng lãi suất thấp nhất để hỗ trợ khách hàng phục hồi kinh doanh; tích cực tham gia cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém, đảm bảo an ninh tiền tệ và an toàn hệ thống.
Nhìn lại hoạt động tín dụng năm 2022, Vietcombank đã điều hành tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm để tối đa hiệu quả sử dụng vốn, tốc độ tăng trưởng luôn được kiểm soát; triển khai hiệu quả các chương trình cho vay lãi suất cạnh tranh gắn với phát triển sử dụng các sản phẩm dịch vụ đi kèm. Đặc biệt, trong 2 tháng cuối năm 2022, Vietcombank đã giảm 1% lãi suất cho vay đối với các khoản vay bằng đồng Việt Nam.
Về huy động vốn, lãi suất được điều chỉnh linh hoạt, kịp thời theo nhu cầu sử dụng vốn và đảm bảo tuân thủ tỷ lệ an toàn; điều chỉnh chính sách huy động vốn đối với nhóm khách hàng lớn phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng; áp dụng chính sách miễn phí, lãi suất nội bộ điều chỉnh kịp thời để duy trì tăng trưởng quy mô tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi ngoại tệ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Nguyễn Thanh Tùng còn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế tại chi nhánh cũng như trụ sở chính của ngân hàng. Cụ thể, tại một số chi nhánh, danh mục tín dụng, huy động vốn, tài trợ thương mại còn phụ thuộc vào một số nhóm khách hàng lớn; tiền gửi không kỳ hạn cá nhân có xu hướng giảm dần trong nửa sau năm 2022; công tác xử lý thu hồi nợ ngoại bảng còn chậm, thiếu sự quyết liệt…
Còn tại trụ sở chính, công tác điều hành tăng trưởng tín dụng chưa có sự phối hợp nhịp nhàng; một số sáng kiến của chương trình chuyển đổi số chậm triển khai do hạn chế về nguồn lực…