Tại thời điểm 31/12/2022, giá trị hàng tồn kho của CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (mã: MPC) là hơn 5.045 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm, chiếm gần một nửa tổng tài sản.
2022 là một năm bứt phá của ngành thủy sản khi xuất khẩu đạt kim ngạch 11 tỷ USD, cao nhất sau 20 năm gia nhập thị trường quốc tế. Tôm là nhóm hàng có giá trị xuất khẩu cao nhất trong ngành thủy sản với hơn 4,3 tỷ USD. Có được kết quả ấn tượng này là nhờ từ khâu nuôi, chế biến cho đến xuất khẩu được duy trì, đẩy mạnh sau đại dịch. Tuy nhiên, ảnh hưởng từ lạm phát và suy thoái kinh tế đã làm chững lại bước phát triển trong những tháng cuối năm 2022. Các doanh nghiệp thuỷ sản đều bị ảnh hưởng do suy giảm đơn hàng, cùng với các sản phẩm có giá trị cao.
Theo báo cáo thường niên 2021, thị trường Mỹ chiếm 1/3 doanh thu xuất khẩu của công ty. Tình hình lạm phát cao ở nước này đẩy cuộc sống người dân vào khó khăn. Nhu cầu tiêu thụ tôm vì thế sụt giảm, dẫn tới lượng hàng tồn kho tăng mạnh. Với nhiều doanh nghiệp thủy sản, hàng tồn kho là mặt hàng có tính rủi ro cao, bởi đây là sản phẩm nhanh xuống cấp nếu phải lưu kho lâu ngày. Chưa kể, chi phí lưu kho các loại mặt hàng này cũng cao do phải vận hành hệ thống kho lạnh để bảo quản.
Tại thời điểm 31/12/2022, giá trị hàng tồn kho của MPC là hơn 5.045 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm. Chủ yếu là thành phẩm và hàng hóa với hơn 4.800 tỷ đồng và dự phòng giảm giá gần 100 tỷ đồng. Tất cả hàng tồn kho được dùng để đảm bảo cho khoản vay tại các ngân hàng thương mại.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), ngành thủy sản năm 2023 sẽ có nhiều khó khăn, do phụ thuộc vào tình hình thế giới, nhiều đơn hàng của doanh nghiệp bị hoãn đến cuối quý I. Phát biểu trong hội nghị thuỷ sản cuối năm 2022, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, cho biết: “Ngành tôm năm sau (2023) sẽ khó khăn hơn ngành cá tra rất nhiều. Cá tra giá rẻ hơn, phù hợp với người tiêu dùng trong bối cảnh lạm phát tăng cao. Còn tôm giá lại đắt hơn. Bây giờ người dân Mỹ không ăn ở nhà hàng nữa, thắt chặt chi tiêu thì khó mà bán được. Lạm phát nhiều nước ở mức cao trong khi chênh lệch tỷ giá khiến giá tôm Việt Nam càng đắt đỏ hơn. Chính vì thế, lượng tồn kho tại các thị trường tiêu thụ nhiều hơn. Điều này đã và tiếp tục dẫn đến tình trạng giảm sút đơn hàng”.
Về tình hình hoạt động trong quý IV/2022, doanh thu thuần doanh nghiệp giảm gần một nửa so với cùng kỳ, còn khoảng 2.554 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ giá vốn hàng bán giảm mạnh hơn khiến lãi gộp của MPC tăng 59%, lên hơn 575 tỷ đồng. Biên lãi gộp trong kỳ đạt 22,5%, cải thiện đáng kể so với 7,7% cùng kỳ.
Thông tin từ phía doanh nghiệp cho biết, Minh Phú đã đầu tư đường nước biển để cung cấp cho người dân nuôi tôm, qua đó đảm bảo đủ nguyên liệu chế biến với giá thành thấp, thu về lợi nhuận tốt hơn.
Trong kỳ, hoạt động tài chính mang về hơn 152 tỷ đồng doanh thu, gấp 9 lần cùng kỳ. Song chi phí tài chính cũng tăng mạnh 6 lần, chi phí bán hàng tăng 40%. Bù lại, chi phí quản lý doanh nghiệp đã được tiết giảm 63% còn gần 42 tỷ đồng.
Kết quả, Minh Phú lãi sau thuế 265 tỷ đồng trong quý IV/2022, gấp gần 3 lần cùng kỳ.
Trong quý cuối 2022, công ty phát sinh khoản vay dài hạn gần 133 tỷ đồng tại ngân hàng Vietcombank – CN Cà Mau. Khoản vay này được Minh Phú dùng để đầu tư phân xưởng sản xuất tôm tẩm bột thuộc nhà máy Minh Phú Hậu Giang, có thời hạn tối đa 66 tháng và được đảm bảo bằng toàn bộ tài sản hình thành từ vốn tự có, vốn vay và vốn khác phát sinh thuộc dự án này.
Cả năm 2022, doanh nghiệp thu về gần 16.425 tỷ đồng doanh thu thuần và gần 839 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng lần lượt 21% và 29% so với năm 2021. Đây cũng là mức lãi ròng cao nhất từ trước đến nay của Minh Phú.
Theo giải trình, Minh Phú cho biết trong quý IV và cả năm 2022, Công ty tập trung sản xuất và bán mạnh mặt hàng giá trị giúp lãi gộp tăng, dẫn đến lợi nhuận tăng.
Dù cả doanh thu và lợi nhuận đều khởi sắc, nhưng Minh Phú chưa hoàn thành được chỉ tiêu kinh doanh năm 2022. Cụ thể, Minh Phú dự kiến ghi nhận 18.963 tỷ đồng doanh thu và lãi sau thuế đạt 1.267 tỷ đồng trong năm ngoái. Với kết quả thực tế, công ty mới hoàn thành lần lượt 87% chỉ tiêu doanh thu và 66% kế hoạch lợi nhuận.
Đây là năm thứ 6 liên tiếp kể từ 2017 công ty không hoàn thành được kế hoạch sản xuất kinh doanh đã được đề ra trước đó.
Nợ phải trả tại cuối năm 2022 tăng hơn 18% so với đầu năm, lên 4.814 tỷ đồng, riêng vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng 16% lên gần 3.800 tỷ đồng, chiếm gần 80% nợ phải trả.