Trang chủ Tài chínhDịch vụ tài chính Vực dậy thị trường vốn: Không nên lẫn lộn giữa ‘giải cứu’ bất động sản và duy trì thanh khoản của thị trường

Vực dậy thị trường vốn: Không nên lẫn lộn giữa ‘giải cứu’ bất động sản và duy trì thanh khoản của thị trường

bởi Linh

Theo chuyên gia Nguyễn Minh Cường, Kinh tế trưởng ADB, nhiều người hiện đang lẫn lộn giữa giải cứu bất động sản với duy trì tính thanh khoản, ổn định của thị trường tài chính.

Giải cứu bất động sản đang là chủ đề được nhiều người bàn luận trong những ngày gần đây, trong đó có ý kiến cho rằng, để giải quyết những vấn đề của nền kinh tế bắt buộc phải giải cứu bất động sản bởi đây là lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn trong đóng góp vào tăng trưởng GDP và có sức lan toả lớn.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB),Việt Nam chưa có giải pháp thực sự rõ ràng để vực dậy thị trường vốn, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Vực dậy thị trường vốn: Không nên lẫn lộn giữa ‘giải cứu’ bất động sản và duy trì thanh khoản của thị trường

Ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). (Ảnh: Hạ An).

Cơ cấu thị trường vốn chưa hợp lý

Ông Cường cho biết, khi đề cập đến việc xử lý vướng mắc liên quan đến thị trường vốn thì hầu như đều chỉ nghĩ đến giải cứu thị trường bất động sản, hay nói cách khác có sự lẫn lộn giữa giải cứu bất động sản với duy trì tính thanh khoản, sự ổn định của thị trường tài chính.

Đúng là đầu tư bất động sản thời gian qua chiếm một phần rất lớn trong thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhất là qua phát hành riêng lẻ, nhưng điều đó không có nghĩa là đánh đồng giải quyết thanh khoản của nền kinh tế với giải cứu thị trường bất động sản.

“Điều này đã bộc lộ rõ ràng điểm yếu có tính cơ cấu của nền kinh tế Việt Nam là dựa chủ yếu vào thị trường tiền tệ”, chuyên gia ADB nói.

Phân tích thêm về điều này, ông Cường cho hay, từ trước đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam dựa nhiều vào tín dụng mà nguyên nhân chính là do cơ cấu doanh nghiệp, có tới trên 96% là doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ, chỉ khoảng 3 – 4% là doanh nghiệp vừa, chưa đến 1% là doanh nghiệp lớn.

Để phát triển thị trường vốn trong dài hạn, cần những doanh nghiệp phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) ít nhất có quy mô vừa. Trong khi đó, doanh nghiệp quy mô vừa quá ít để có thể thực sự tạo ra thị trường, hay nói cách khác, cơ sở khách hàng đối với thị trường vốn của Việt Nam là yếu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nhà nước không cần vay vốn trên thị trường vốn, mà cứ vay trên thị trường tiền tệ, bởi đã có Nhà nước hỗ trợ.

Hệ thống ngân hàng hiện gặp gánh nặng rất lớn trong bối cảnh bản thân ngân hàng cũng chịu nhiều khó khăn, dư địa của chính sách tiền tệ đã bị thu hẹp đáng kể. Thanh khoản hệ thống ngân hàng đã giảm từ 34,5% năm 2016 xuống 24% năm 2021, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tăng lên 25,2% vào tháng 6/2022, nguồn thu từ lãi và phí của ngân hàng bắt đầu chịu áp lực vào cuối năm 2022 và nhiều khả năng tiếp tục chịu áp lực trong năm 2023.

Tỷ lệ dư nợ tín dụng/vốn huy động (LDR) của nhiều ngân hàng đã vượt khỏi mức an toàn và nợ xấu có xu hướng gia tăng. Do vậy, nếu tiếp tục sử dụng chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ kinh tế, đặc biệt trong xử lý các vấn đề của thị trường vốn có thể sẽ gây ra hệ lụy với hệ thống trong dài hạn, chuyên gia Nguyễn Minh Cường cảnh báo.

Giải quyết vấn đề trước mắt cần ngân hàng vào cuộc

Giải quyết vấn đề trước mắt cần ngân hàng vào cuộc

Ông Lê Hồng Khang – Giám đốc Xếp hạng Tín nhiệm của FiinRatings. (Ảnh chụp màn hình).

Phát biểu tại tọa đàm “Điểm sáng Đầu tư 2023 – FiinGroup Invest Summit” diễn ra chiều 15/2, ông Lê Hồng Khang – Giám đốc Xếp hạng Tín nhiệm của FiinRatings cho rằng, để gỡ khó thanh khoản của nền kinh tế cần giải quyết vấn đề của thị trường TPDN.

Theo ông Khang, niềm tin của nhà đầu tư suy giảm sau khi cơ quan nhà nước chỉ ra hàng loạt sai phạm của doanh nghiệp phát hành khiến, giá trị phát hành của TPDN sụt giảm mạnh trong năm qua đã làm giảm quy mô tổng dư nợ trái phiếu, dẫn tới rủi ro tái cấp vốn tăng cao.

Vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng với bất động sản – ngành chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu phát hành toàn thị trường. Điều kiện kinh doanh không thuận lợi và tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao khiến số lượng doanh nghiệp chậm trả nợ gia tăng. Ông Khang đánh giá, ngân hàng thương mại vẫn đóng vai trò rất lớn trong kiến tạo thanh khoản của thị trường TPDN.

Một lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp bất động sản được ngân hàng nắm giữ. Vì vậy, nếu doanh nghiệp gặp khó trong đảo nợ trái phiếu, nợ xấu trái phiếu của các ngân hàng cũng sẽ tăng. “Áp lực này sẽ dẫn đến tình trạng ngân hàng trích lập nhiều hơn”, ông Lê Hồng Khang cảnh báo.

Hiện doanh nghiệp mong đợi Nghị định sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP được ban hành, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cơ cấu nợ trái phiếu, thúc đẩy thị trường hồi phục.

“Quá trình cơ cấu nợ trái phiếu sẽ cần sự hỗ trợ của NHNN thông qua các tổ chức tín dụng, trong đó chấp nhận chưa hạ chuẩn phân loại nợ vào nợ xấu cho các doanh nghiệp vẫn đáp ứng được các tiêu chí và điều kiện cho vay, song song với thỏa thuận với trái chủ về việc giãn kỳ hạn thanh toán nợ cùng với các điều khoản mới đi kèm”, nhóm phân tích của FiinGroup đề xuất.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồn
g Tư vấn chính sách Tài chính – Tiền tệ quốc gia cũng đồng tình với quan điểm “NHNN nên cân nhắc điều chỉnh theo hướng cho phép các tổ chức tín dụng đầu tư nhiều hơn vào trái phiếu doanh nghiệp, bảo đảm an toàn với trái phiếu doanh nghiệp và cho vay góp vốn, tài trợ chuyển nhượng dự án”.

TS. Lực cũng đề xuất, Bộ Xây dựng nên phân loại bất động sản thành 5 nhóm, trên cơ sở đó NHNN áp dụng hệ số rủi ro khác nhau tùy mức độ rủi ro, thay vì áp dụng khá cào bằng hiện nay.

Việc tăng cho vay, giảm lãi suất và xem xét lại hệ số rủi ro sẽ giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn lực để sống sót trong bối cảnh thị trường trái phiếu đóng băng. Dĩ nhiên, giải pháp chính hiện nay vẫn là doanh nghiệp phải quyết liệt tái cơ cấu, giảm mạnh giá bán tài sản để tạo thanh khoản, bảo đảm thực hiện nghĩa vụ tài chính với trái chủ.

Có thể bạn quan tâm