Sau hàng loạt mặt hàng trái cây chủ lực của Việt Nam như chuối, sầu riêng, chanh, bưởi, nhãn… được mở cửa xuất khẩu chính ngạch thành công sang Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand… cùng với việc thị trường nhập khẩu lớn nhất là Trung Quốc mở cửa trở lại ngay từ đầu năm 2023 mở ra một năm tràn đầy khí thế đưa ngành hàng rau quả tăng tốc, tiến tới mốc 5 tỷ USD vào năm 2025.
Ngay khi Trung Quốc mở cửa trở lại, Việt Nam có nhiều cơ hội để gia tăng xuất khẩu hàng hóa. Đặc biệt, trái cây là mặt hàng xuất khẩu có nhiều lợi thế bởi nhu cầu của thị trường này luôn rất cao.
Thêm nữa, với tiền đề sẵn sàng từ khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có chuyến thăm chính thức Trung Quốc vào cuối tháng 10/2022, hàng loạt nông sản Việt được ký nghị định thư để xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này giúp cho con đường đưa trái cây Việt sang Trung Quốc thêm rộng cửa.
Tại các cửa khẩu thuộc tỉnh Quảng Ninh, Lào Cai, Lạng Sơn, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa càng nhộn nhịp hơn sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão.
Hàng hóa xuất khẩu nhộn nhịp ngay cả với các trái cây mới, lần đầu tiên được tiếp cận các thị trường ngay sau khi được mở cửa. Điển hình như sản phẩm cam của các tổ hợp tác ở huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình đã được doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu lần đầu tiên sang Anh. Hay nhãn tươi của Long An lần đầu tiên tiến quân vào thị trường Nhật Bản, mở ra cơ hội tăng trưởng cho trái cây Việt trong năm 2023.
Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam đánh giá, với việc Trung Quốc mở cửa hoàn toàn, doanh nghiệp xuất khẩu rau quả rất thuận lợi, tiết kiệm được nhiều chi phí. Hàng hóa không chỉ sẽ xuất khẩu được nhiều hơn, thông quan nhanh hơn, chất lượng sản phẩm sẽ đảm bảo hơn nên hiệu quả đem lại chắc chắn cao hơn năm 2022.
Một số ngành hàng xuất khẩu dự báo sẽ bị ảnh hưởng mạnh bởi lạm phát, nhưng rau quả sẽ không bị tác động mạnh như các ngành hàng đó. Dự báo, năm 2023 tăng trưởng xuất khẩu sẽ đạt khoảng 20% so với năm 2022. Năm 2022 đạt gần 3,4 tỷ USD thì năm 2023 xuất khẩu rau quả có thể đạt 4 tỷ USD.
Phân tích về con số 4 tỷ USD có thể đạt được, ông Đặng Phúc Nguyên chỉ ra, năm 2022 riêng xuất khẩu sầu riêng đạt trên 420 triệu USD mà chủ yếu vào quý IV – sau khi được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Như vậy, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng rau quả khác của năm 2022 đạt gần 3,4 tỷ USD.
“Năm 2023, Việt Nam có thể xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc rất nhiều khả năng có thể đem về được 1 tỷ USD. Thêm 3 tỷ USD các mặt hàng khác như năm ngoái là 4 tỷ USD”, ông Đặng Phúc Nguyên nói.
Không chỉ thị trường Trung Quốc, ngay từ đầu năm EU cũng đã có thông báo gỡ bỏ kiểm soát chính thức và khẩn cấp 4 sản phẩm rau gia vị của Việt Nam là: mùi tây, rau mùi, húng quế, bạc hà. Như vậy, các sản phẩm rau gia vị trên của Việt Nam không còn bị kiểm soát ở mức 50% khi xuất khẩu vào thị trường EU.
Ông Đặng Phúc Nguyên đánh giá, điều này kỳ vọng sự khôi phục từ sản xuất đến xuất khẩu trở lại của mặt hàng rau gia vị sang EU. Bởi khi EU tăng kiểm soát, hầu như các doanh nghiệp đều không dám đưa hàng sang.
Đặc biệt, đầu tháng 3/2023, sự trở lại của Triển lãm và hội thảo quốc tế lần thứ 5 về công nghệ sản xuất và chế biến rau, hoa, quả tại Tp. Hồ Chí Minh sau 2 năm gián đoạn do dịch COVID được các doanh nghiệp, chuyên gia, doanh nghiệp kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội cho ngành hàng rau quả Việt.
Những tín hiệu vui ngay từ đầu năm được ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng giám đốc Vina T&T Group cho biết, đơn hàng xuất khẩu trái cây tươi trong tháng 1 ghi nhận tăng trưởng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Các sản phẩm truyền thống duy trì đơn hàng ổn định. Đáng chú ý, trái bưởi xuất sang Mỹ và sầu riêng vào Trung Quốc đóng góp mạnh vào phần tăng trưởng này. Điều này giúp doanh nghiệp tự tin đặt mục tiêu tăng trưởng từ 30 – 40% trong năm 2023.
Gặt hái nhiều thành công khi đưa sầu riêng sang Trung Quốc, bà Ngô Tường Vy – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho biết, sầu riêng Việt Nam đi sau Thái Lan, Malaysia khá nhiều năm nhưng không thua kém gì nhờ chất lượng. Đây là nền tảng và doanh nghiệp sẽ tiếp tục với hướng đi chất lượng rồi mới tăng dần sản lượng. Công ty Chánh Thu hoàn toàn có thể tăng gấp đôi doanh số sang thị trường này trong năm 2023.
Bà Ngô Tường Vy đánh giá, khi mở cửa thị trường, với doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt đều có sự cạnh tranh rất cao trên thị trường. Nhiều năm qua, các doanh nghiệp hoàn thiện chuỗi liên kết rất khó để thay đổi tư duy nông dân trong liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm. Nhưng khi Trung Quốc thay đổi điều kiện nhập khẩu sẽ giúp nông dân, tiểu thương thay đổi tư duy có bước tiến lớn hơn cho ngành hàng trái cây Việt. Năm 2023, doanh nghiệp tiếp tục với đề án xây dựng vùng nguyên liệu bền vững để có nguồn cung đáp ứng mục tiêu phát triển thị trường.
Cùng với nỗ lực mở cửa thị trường để đưa nhiều rau quả Việt sang các thị trường, Cục Bảo vệ thực vật cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục đổi mới phương thức đào tạo, tập huấn, liên tục cập nhật thông tin dữ liệu cơ sở từ vùng trồng, đóng gói… nhanh nhất tới các doanh nghiệp. Bởi, hiện nhiều nhà sản xuất, xuất khẩu chưa nắm rõ được các quy định, tiêu chuẩn của nhiều thị trường.
Theo ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngoài đảm bảo chất lượng, hiện hầu hết các thị trường đều yêu cầu sản phẩm phải gắn với vùng trồng, cơ sở đóng gói. Nếu làm không đúng hoặc mượn danh mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến xuất khẩu.
Các doanh nghiệp đã được cấp mã số xuất khẩu cần thực hiện bổ sung thông tin đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc theo Lệnh 248 Quy định về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài của Tổng cục Hải Quan Trung Quốc trước ngày 30/6/2023. Việc thực hiện tốt các quy định của Trung Quốc sẽ không gây gián đoạn xuất khẩu các mặt hàng nông sản; trong đó có rau quả sang thị trường này, ông Lê Thanh Hòa nhấn mạnh./.